Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, khi tham gia cưỡng chế nhà xây dựng trái phép tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức (TP.HCM), người làm việc trong đoàn cưỡng chế đã lấy tài sản của người dân, đến khi gia đình thông báo, phường mới đi tìm và giao trả từng món đồ.
Ngày 24-5, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết đã chỉ đạo lực lượng Công an TP Thủ Đức xác minh, điều tra làm rõ.
Có dấu hiệu tội phạm
Vào ngày 17-5, đoàn cưỡng chế công trình vi phạm đã tiến hành cắt khóa, tháo dỡ nhà xây không phép của gia đình chị C tại khu phố 7, phường Hiệp Bình Chánh. Đến sáng hôm sau, chị C đi tìm quần áo cho con đi học thì phát hiện nhiều đồng hồ, nhẫn và một số tài sản khác bị mất.
Sau khi thông báo cho lực lượng chức năng thì chị C đã được trả lại một chiếc nhẫn, chín cái đồng hồ, một mắt kính. Theo chị C, hiện vẫn còn một số tài sản chưa tìm thấy.
Đồng hồ, nhẫn, mắt kính đã được trả lại cho gia đình chị C. Ảnh: TS |
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vụ việc trên, ThS - luật sư (LS) Nguyễn Văn Dũ (Đoàn LS TP.HCM) cho biết việc cưỡng chế nhà không phép sẽ được thực hiện theo các quy định tại Nghị định 166/2013 của Chính phủ.
Việc vợ chồng chị C vắng mặt và không tự giác di chuyển, cất giữ tài sản không có nghĩa là họ từ bỏ quyền sở hữu những tài sản đó. Nhẫn, đồng hồ… của gia đình chị C là tài sản không bị cưỡng chế. Do đó, trách nhiệm bảo quản các tài sản vào thời điểm cưỡng chế thuộc về cơ quan tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế cho đến khi vợ chồng chị C nhận lại tài sản.
“Hành vi lấy tài sản của gia đình chị C trong trường hợp này có dấu hiệu của một trong hai tội tham ô tài sản (Điều 353 BLHS) hoặc trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS)” - ThS-LS Dũ nhận định.
Cụ thể, nếu xác định tài sản bị lấy ở thời điểm thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế và người được giao quyền tiếp cận, nắm giữ, di chuyển tài sản từ nhà ra nơi tập kết đã có hành vi lấy tài sản trong quá trình này thì có dấu hiệu của tội tham ô tài sản.
Còn nếu xác định những người tham gia cưỡng chế không có quyền, trách nhiệm trong việc quản lý, di chuyển tài sản từ nhà ra nơi tập kết mà thực hiện hành vi lấy tài sản thì có dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản.
ThS-LS Dũ nói thêm: Việc lấy tài sản có cấu thành tội phạm hay không không phụ thuộc vào việc chị C đã nhận lại tài sản hay chưa. Do đó, nếu cơ quan điều tra xác định có hành vi phạm tội thì việc trả lại tài sản chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Về trách nhiệm bồi thường, cơ quan tiến hành cưỡng chế phải bồi thường thiệt hại cho gia đình chị C nếu để xảy ra các hư hỏng, mất mát tài sản. Sau đó, cơ quan này có quyền yêu cầu những người gây thiệt hại hoàn trả lại khoản bồi thường này.
Trách nhiệm của những người giám sát
Những người có trách nhiệm trong việc giám sát nhóm công nhân được thuê mà thiếu trách nhiệm giám sát, để nhóm công nhân này lấy tài sản của gia đình người bị cưỡng chế thì có thể bị xem xét trách nhiệm.
Trường hợp tài sản mà nhóm công nhân này chiếm đoạt có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên thì những người có trách nhiệm giám sát có thể bị xem xét về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 360 BLHS.
TS Phan Anh Tuấn
Dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản
Trong vụ này, người dân nhìn vào chỉ thấy những người tham gia cưỡng chế đều là “người của đoàn cưỡng chế”. Song như giải thích của chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, những người được cho là lấy tài sản của dân là những lao động tự do, được phường thuê để thực hiện một số công việc của quá trình cưỡng chế. Vậy hành vi lấy tài sản của họ phạm tội gì?
Về vấn đề này, TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng hành vi lấy tài sản của nhóm công nhân trong vụ việc nêu trên có dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản, nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên.
“Có ý kiến cho rằng những người này có dấu hiệu của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355 BLHS). Tuy nhiên, về mặt pháp lý, hình thức chiếm đoạt của tội này không bao gồm hình thức trộm cắp tài sản. Do đó, hành vi lợi dụng thực hiện công việc được thuê để chiếm đoạt tài sản người khác chỉ có thể cấu thành tội trộm cắp tài sản” - TS Tuấn nêu quan điểm.
Cũng cần nói thêm, những công nhân họ không có bất cứ chức vụ, quyền hạn nào trong vụ cưỡng chế. Họ chỉ là người được thuê để thực hiện một số công việc liên quan đến công tác cưỡng chế.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng đúng là họ có lợi dụng điều kiện, tình huống được thuê ấy để thực hiện hành vi lén lút lấy tài sản mà người có chức trách, nhiệm vụ chưa xác lập được số tài sản ấy để thực hiện việc (tạm) quản lý rồi trao trả cho người dân. Do đó, theo chúng tôi, hành vi lấy tài sản của năm người này có dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản - nếu giá trị tài sản chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên.
“Ngoài ra, việc chưa định giá tài sản bị chiếm đoạt nhưng đã trả lại có thể dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm. Bởi lẽ cần xác định chính xác giá trị những tài sản bị chiếm đoạt là bao nhiêu để làm căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự. Nếu tài sản bị trộm cắp có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên thì có dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản và phải khởi tố vụ án hình sự” - TS Tuấn nhận định.
Công an chưa khởi tố vụ án
Cuối giờ chiều 24-5, lãnh đạo Công an TP Thủ Đức (TP.HCM) cho biết vẫn chưa khởi tố vụ án liên quan đến việc năm người được thuê lấy tài sản của dân khi đoàn cưỡng chế tháo dỡ nhà xây trái phép tại phường Hiệp Bình Chánh mà Pháp Luật TP.HCM đã thông tin.
Cùng thời điểm này, Công an TP Thủ Đức vẫn đang phối hợp với Công an phường Hiệp Bình Chánh tiếp tục điều tra vụ việc.
Chị C, người trong gia đình bị mất tài sản, cho biết vào trưa cùng ngày, Công an TP Thủ Đức và VKS đã đến hiện trường ngôi nhà chị bị tháo dỡ để kiểm tra, chụp ảnh.
Trước đó, Công an TP Thủ Đức đã phối hợp với Công an phường Hiệp Bình Chánh làm việc với những người liên quan. Bước đầu, công an đã triệu tập các ông R, L, C, T, X để làm rõ hành vi lấy tài sản của dân.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, đây là năm công nhân, lao động tự do được UBND phường Hiệp Bình Chánh thuê để thực hiện tháo dỡ công trình không phép trên địa bàn. Khi xác minh, UBND phường đã phối hợp cùng công an phường mời những người này đến làm việc, thu hồi tài sản, đi xin lỗi, trả lại cho người dân.TỰ SANG