Vụ ly hôn Trung Nguyên: Không ai chịu ai

Ngày 3-12, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên xử phúc thẩm vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, với phần tranh luận. Cả hai bên cùng luật sư (LS) của mình đưa ra nhiều lập luận, lý lẽ để bảo vệ cho quan điểm của mình.

Tranh cãi về ý định ly hôn, đoàn tụ

Về việc bà Thảo nói bị cưỡng ép ly hôn, gia đình không đoàn tụ, ông Vũ không đồng tình. Vì bà Thảo là người chủ động làm đơn xin ly hôn, sau đó còn bổ sung đơn ly hôn hai lần suốt quá trình hơn ba năm tòa sơ thẩm thụ lý giải quyết. Suốt thời gian đó, bà Thảo nhiều lần thể hiện rõ ý chí kiên quyết ly hôn bằng được với ông Vũ trong các biên bản làm việc tại tòa. Đáng chú ý là bà Thảo từng khẳng định ly hôn với ông Vũ là một quyết định sáng suốt…

Nói về bà Thảo sau phiên tòa buổi sáng, ông Vũ bảo việc bà Thảo cho rằng HĐXX không chịu cho gia đình đoàn tụ là không đúng, bởi đây là ý của ông chứ không phải của tòa. Ông Vũ nói: “Qua không muốn đoàn tụ nữa vì tiến trình xảy ra bao lâu bên trong ghê gớm lắm. Qua là bị đơn chứ không phải nguyên đơn. Từ đó đến nay, cổ (cô ấy) làm đủ thứ chuyện cả. Bây giờ ra tới tòa bảo rút đơn như vậy, ra báo chí nói như vậy không bao giờ đúng với người xử bên trong”.

“Qua rất là không muốn nói về người vợ qua lời nào hết. Nếu qua có bệnh, có chết đi nữa cũng không bao giờ nhờ đến người phụ nữ đó chăm sóc qua cả” - ông Vũ chia sẻ.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tranh chấp tài sản chung của vợ chồng

Tại tòa, ông Vũ cũng khẳng định không có bà Thảo, Tập đoàn Trung Nguyên vẫn tồn tại và phát triển bình thường. Ông Vũ nhấn mạnh không thể nào phủ nhận công sức đóng góp của cha mình khi hình thành và phát triển Trung Nguyên ngày nay. Bà Thảo mãi sau này mới có cổ phần trong Trung Nguyên.

Phía ông Vũ cho rằng đây là vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Trong vụ án này, cổ phần dù đứng tên riêng ông Vũ hay bà Thảo cũng là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng, do đó việc tranh chấp cổ phần về tính chất là tranh chấp tài sản chung của vợ chồng chứ không phải tranh chấp giữa các cá nhân cổ đông với nhau. Việc tòa án quyết định giao cho ông Vũ được sở hữu toàn bộ cổ phần của ông và bà Thảo trong khối tài sản chung, về bản chất, không phải là việc chuyển nhượng cổ phần.

LS phía ông Vũ cũng bác quan điểm cho rằng tòa án đã tước quyền cổ đông của bà Thảo. Bởi quá trình giải quyết, tòa án đã dành cho hai bên quyền tự thỏa thuận về tài sản là tôn trọng quyền chủ thể của chủ sở hữu. Khi các chủ thể không đạt được kết quả trong việc thực hiện quyền đó thì tòa án phải giải quyết theo thẩm quyền…

Phía bà Thảo đề nghị hủy án sơ thẩm

Trước đó các LS bảo vệ cho bà Thảo cho rằng trong phiên tòa sơ thẩm, khi bà Thảo có mong muốn rút đơn xin ly hôn, thẩm phán đã giải thích việc rút đơn của bà Thảo sẽ thay đổi tư cách tố tụng của bà Thảo nếu ông Vũ không đồng ý. Đó là lý do khiến bà Thảo giữ nguyên yêu cầu khởi kiện xin ly hôn, trái với mong muốn của bà là muốn rút đơn xin ly hôn để được đoàn tụ với ông Vũ.

Về tỉ lệ đóng góp trong khối tài sản chung, LS của bà Thảo cho rằng bản án sơ thẩm đánh giá công sức của ông Vũ đóng góp vào khối tài sản chung của hai vợ chồng nhiều hơn bà Thảo là không có căn cứ pháp luật, không phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội.

Xét về công sức đóng góp của mỗi người thì bà Thảo còn phải được phần hơn vì là một phụ nữ vừa phải thực hiện thiên chức làm mẹ, nuôi dưỡng bốn người con nhưng bà vẫn tham gia điều hành quản lý các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên. Suốt thời gian ông Vũ thiền trên núi thì một mình bà Thảo phải chăm sóc các con và điều hành các công ty.

Về vấn đề giám định năng lực hành vi dân sự của ông Vũ, LS của bà Thảo cho rằng phiếu khám sức khỏe tâm thần của ông Vũ và kết luận giám định sức khỏe đó không được cấp sơ thẩm thu thập theo luật định nên không được coi là kết luận giám định hay nguồn chứng cứ để không cần trưng cầu giám định lại theo yêu cầu của bà Thảo.

Ngoài ra, LS cho rằng bản án sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng, không đúng sự thật khách quan, bỏ sót người tham gia tố tụng. Trong quá trình khởi kiện, việc thu thập chứng cứ không đầy đủ của nguyên đơn, yêu cầu của bị đơn chưa được thu thập đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Do đó, LS bảo vệ cho bà Thảo đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị của VKSND TP.HCM, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ về cho TAND TP.HCM giải quyết lại.

Hôm nay, 4-12, phiên xử sẽ tiếp tục với phần đối đáp giữa các bên.

Sự tồn vong của thương hiệu Trung Nguyên

Về nội dung bà Thảo muốn tiếp tục ở lại Trung Nguyên, LS phía ông Vũ cho rằng khi ông Vũ và bà Thảo đã chấm dứt quan hệ hôn nhân thì việc để bà Thảo tiếp tục ở lại Trung Nguyên sẽ đe dọa sự tồn vong của tập đoàn này. Bởi lẽ mâu thuẫn xảy ra giữa vợ chồng ông Vũ, bà Thảo chủ yếu là sự khác biệt về quan điểm phát triển Trung Nguyên, chứ không phải chỉ vì lý do thông thường như mâu thuẫn giữa các cặp vợ chồng khác.

“Giải quyết việc phân chia cổ phần giữa ông Vũ, bà Thảo không chỉ là giải quyết về quyền tài sản chung của cá nhân vợ chồng mà phải tính đến sự sống còn của thương hiệu Cà phê Trung Nguyên, đây là một yêu cầu rất quan trọng trong vụ án này” - LS nhấn mạnh.

Đáng chú ý, các LS còn nói rằng mâu thuẫn giữa bà Thảo không chỉ với ông Vũ mà còn với tất cả cổ đông trong Tập đoàn Trung Nguyên rất trầm trọng. Họ không thể có tiếng nói chung trong hợp tác điều hành tổ chức sản xuất, kinh doanh sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và tồn tại của Trung Nguyên.

Cụ thể, trong thời gian qua đã xảy ra gần 20 vụ kiện cáo giữa Trung Nguyên với bà Thảo, trong đó 13 vụ bà Thảo khởi kiện và tòa án các cấp đã ban hành 13 quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Riêng vụ kiện ly hôn, tòa án đã ban hành năm quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với cá nhân ông Vũ. Cạnh đó, ông Vũ rất đau khổ khi bà Thảo là vợ lại làm đơn gửi tòa yêu cầu tuyên bố ông mất năng lực hành vi dân sự. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm