Vụ mặt đường tại trung tâm TP.HCM phát nổ: Giếng thoát nước thành 'bom' khí?

Vụ mặt đường tại trung tâm TP.HCM phát nổ: Giếng thoát nước thành ‘bom’ khí ?
Hiện trường khu vực mặt đường phát nổ đang được rào chắn lại, có lực lượng bảo vệ - Ảnh: Công Nguyên

Đến chiều 17.6, hiện trường vụ mặt đường phát nổ trên đường Hoàng Sa (dưới chân cầu Bùi Hữu Nghĩa, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) vẫn được các cơ quan chức năng phong tỏa, trong khi nghi vấn vụ nổ được cho là do khí thải bị nén bên trong giếng thoát nước của dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Bà Tường, một người dân nhà ở đối diện hiện trường kể lại, vào thời điểm xảy ra vụ nổ, ngoài trời có mưa, bà đang ở trong nhà thì nghe tiếng nổ lớn. Bà nhanh chóng ra xem thì phát hiện nơi xảy ra nổ đang bốc khói nghi ngút, mặt đường bị biến dạng và xuất hiện vết nứt.

Thủ phạm là giếng CSO ?

Ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, cho biết ngay sau khi vụ nổ xảy ra, Thanh tra Sở GTVT đã tiến hành lập biên bản và yêu cầu Ban quản lý dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM đào lên xử lý, xác định nguyên nhân.

Tuy nhiên, một chi tiết rất đáng chú ý, theo ông Thắng, đây là vụ nổ giếng CSO, thuộc dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM, lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Cũng theo mô tả của ông Thắng, dọc theo tuyến kênh này có rất nhiều giếng CSO được xây dựng trong quá trình thực hiện dự án. Và các giếng này thời gian qua đã xảy ra nổ, xì nhiều lần, nhiều chỗ. Lúc trước đơn vị có trách nhiệm đã xử lý nhiều lần bằng cách khoan các lỗ trên nóc giếng để thoát hơi.

Theo PGS-TS Hồ Long Phi (Viện trưởng Viện Nước và biến đổi khí hậu - Đại học Quốc gia TP.HCM), chức năng của các giếng này là ngõ chia nước. Một ngõ chảy xuống tuyến cống bao nằm dọc theo chiều dài tuyến kênh, sâu dưới lòng đất; một ngõ chảy ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Khi trời mưa, nước trong cống bao đầy, một phần lượng nước từ giếng này sẽ chảy ra kênh.

Xem lại khâu thiết kế, thi công

Thạc sĩ Phạm Sanh (Đại học GTVT TP.HCM) cho rằng nếu nổ do giếng CSO như Khu quản lý giao thông đô thị số 1 nhận định, thì trước tiên cần phải xem lại hồ sơ thiết kế của hệ thống giếng này xem có gì sai lầm hay không. Sau khi xem lại thiết kế, nếu không có gì sai thì bước tiếp theo là xem lại hồ sơ thi công có đảm bảo hay không, có thiếu trách nhiệm hay sai sót gì không. "Cần phải xem lại hai khâu thiết kế và thi công một cách nghiêm túc, đồng thời cần lập đề cương về các sự cố, có sự kiểm định và có những giải pháp xử lý sự cố một cách bài bản, khoa học", ông Phạm Sanh nhấn mạnh.  

PGS-TS Hồ Long Phi cũng có nhận định tương tự. Ông nói quá trình thiết kế, thi công “có thể đã bị lỗi”. Chỗ thoát khí luôn luôn là chỗ cao nhất trong hệ thống thoát nước, vì bọc khí luôn tụ ở chỗ cao nhất đó. Nhưng vì lý do nào đó, chỗ thoát khí được đặt sai, hoặc thi công sai, nên khí không thoát được. Ông giải thích thêm, thông thường khả năng xảy ra nổ trong hệ thống cống thoát nước là do sự tích tụ khí bên trong đường ống nước thải.

Trong nước thải luôn luôn có các vi sinh vật phân hủy các chất thải và sinh ra các chất khí, trong đó có mê tan và nhiều loại khí khác, đều là những chất khí rất độc hại đối với sức khỏe con người. Nếu như các túi khí này không thoát ra được mà tích tụ trong hệ thống, sẽ tạo nên một áp lực như bên trong chiếc bong bóng được bơm căng, dẫn đến nổ phá hủy đường ống và mặt đường. Thực trạng này cũng xảy ra khá phổ biến trên thế giới. Cần có sự điều tra cẩn thận về nguyên nhân dẫn đến sự cố nổ vừa qua.

Vụ mặt đường tại trung tâm TP.HCM phát nổ: Giếng thoát nước thành ‘bom’ khí ?
Cận cảnh nơi mặt đường phát nổ

Theo giả thuyết của TS Hồ Long Phi, sự cố đã xảy ra trong lúc trời mưa, khi đó nước mưa và nước thải dồn vào bên trong giếng, có thể nước tràn lên quá nhiều, hoặc do rác làm nghẹt, hay vì một lý do nào đó đã lấp bít đường thoát khí, làm cho khí thải không thoát ra được, bọc khí bị nén dẫn đến nổ.

Theo ông, giải pháp khoan thoát khí là cách phải làm trong lúc này, nhưng quan trọng là khoan ở đâu, vì có thể khoan ở chỗ này nhưng khí lại tích tụ ở chỗ khác. Ông đề nghị cần có sự nghiên cứu kỹ, xem lại việc bố trí các vị trí xả khí đã hợp lý hay chưa, nếu chưa thì đề nghị bổ sung, thay thế. “Việc này nếu lực lượng trong nước không thể làm được thì có thể mời chuyên gia nước ngoài, vì hệ thống thoát nước theo công nghệ này lần đầu tiên được áp dụng tại VN, mình chưa có kinh nghiệm”, TS Hồ Long Phi nói.

 

Vết nứt đáng sợ

Trở lại hiện trường vụ nổ, PV ghi nhận mặt đường lồi lõm, có hai vết nứt dài khoảng 2 m, rộng 3 cm. Vị trí xảy ra vụ nổ ở sát mép đường Hoàng Sa, phía công viên dọc bờ kênh, gần cầu Bùi Hữu Nghĩa. Đoạn đường này khá thấp so với toàn tuyến đường, do nằm ở vị trí cạnh đường chui dưới dạ cầu Bùi Hữu Nghĩa.

Khu vực hiện trường nằm trong phạm vi dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM, lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1, đã hoàn thành vào tháng 8.2012. Một trong những hạng mục quan trọng của dự án là tuyến cống bao dài khoảng 9 km (đường kính 2,5 m và 3 m), cùng với 59 công trình tách dòng và kiểm soát xả tràn phân bố dọc bờ kênh để nối hệ thống thu gom vào tuyến cống bao.


Theo Mai Vọng - Đình Mười - Công Nguyên (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm