Vụ một nhà báo tống tiền… cảnh sát: Công an vào cuộc điều tra

Sáng 28-6, Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp với chỉ huy các trạm, đội trực thuộc.

Nói “CSGT Đà Nẵng chi tiền” là để hù dọa

Thượng tá Nguyễn Đến, Trưởng Phòng CSGT Đà Nẵng, xác nhận: Hơn một tháng trước, AT và LM gọi điện thoại đến ba trạm CSGT Kim Liên, Hòa Cầm, Hòa Nhơn xin gặp để làm việc. Riêng Trạm CSGT Hòa Nhơn có đưa báo cáo tình hình hoạt động sau vài tháng thành lập.

Việc phối hợp làm việc, phối hợp thông tin với báo chí là thường xuyên nên các trạm đón tiếp theo phép lịch sự, xã giao nhưng tuyệt đối không có chuyện chi tiền để bỏ qua sai phạm.

Trung tá Lê Ngọc Dinh, Trạm trưởng Trạm CSGT Kim Liên, cho biết hôm trạm tiếp T. và M. ông đi công tác nên giao lại cho Trung tá Phan Văn Mẫn - trạm phó. Hai người này chỉ làm việc qua loa, thậm chí không quay phim, chụp ảnh… nên làm gì có chuyện phát hiện sai phạm và buộc chi tiền để bỏ qua. Có thể đây chỉ là cách hù dọa nhằm vòi vĩnh và tống tiền các đơn vị khác.

Theo ông, việc hai người này đi vòi tiền và ra giá 200 triệu đồng như “giá Đà Nẵng đã từng chi để bỏ qua sai phạm” đã làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của lực lượng CSGT trên địa bàn.

tải xuống.jpg

Sáng qua, Công an TP Đà Nẵng đã cử một tổ công tác đến làm việc với lãnh đạo Trường Đại học nơi LM làm việc. Ban giám hiệu nhà trường cho biết đã yêu cầu M. phải tường trình vụ việc vào sáng 29-6. Việc đối chất giữa Công an TP Đà Nẵng với M. về việc có hay không “vụ đưa 200 triệu đồng” không thể thực hiện vì anh này đã đi khỏi nơi cư trú.

Có phải bị mạo danh (?)

Tháng 3-2010, LM có một số bài báo viết chung với T. và Trưởng Văn phòng tại Nghệ An của một tờ báo có trụ sở ở Hà Nội về tình trạng tiêu cực của CSGT trên tuyến quốc lộ 1A từ Hà Tĩnh vào Huế. Sau đó, nhiều CSGT cứ tưởng M. là phóng viên của báo này.

Một giảng viên dạy cùng trường với M. cho biết: “Khi tôi gọi điện thoại hỏi M. thì anh ta nói rằng đã có người nào đó mạo danh anh để tống tiền cảnh sát chứ bản thân anh không làm chuyện đó và bảo tôi hãy yên tâm!”.

Về chuyện này, cơ quan công an sẽ làm rõ. Nhưng có điều chắc chắn là chiều 27-6, khi PV báo Pháp Luật TP.HCM gọi điện thoại vào số máy của M. thì anh ta vẫn chối quanh. Nhưng khi PV nêu lại diễn biến và cho biết tất cả hành vi của anh bày và T. đều bị theo dõi, thì M. thừa nhận.

Có thêm sai phạm khác

LM hiện đang làm nghiên cứu sinh tại một trường Đại học ở Hà Nội. Trước đây, M. đã bị hai lần kỷ luật đảng với mức khiển trách.

Cụ thể cuối năm 2004, M. được trường cử làm hướng dẫn đoàn sinh viên tham dự một hội thi tại Hà Nội. Trong chuyến đi, anh này có hành vi được cho là quấy rối nữ sinh viên và bị tố cáo, sau đó bị kỷ luật khiển trách.

Tiếp đó, năm 2009, Thanh tra trường Đại học phát hiện có nhiều bài thi của sinh viên do M. chấm có dấu hiệu sửa điểm, trong đó có bài từ 5 điểm được “phù phép” thành 9 điểm. Vụ việc này M. phải viết bản tường trình và sau đó nhận hình thức kỷ luật khiển trách.

Công an tỉnh Khánh Hòa khẩn trương điều tra
Sáng 28-6, liên lạc qua điện thoại, Đại tá Trần Quang Họa- Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa, cho biết vừa nghe báo cáo và chỉ đạo cấp dưới nhanh chóng điều tra làm rõ vụ việc. Thượng tá Phan Long Để - Trưởng Phòng CSGT tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Anh em CSGT Trạm Cam Ranh đã rất có tinh thần cảnh giác. Khi bị 2 người xưng là PV vòi tiền, Trạm Cam Ranh đã chủ động báo cáo cho cấp trên. Đáng tiếc là trong khi anh em đang điện thoại về xin ý kiến lãnh đạo để tìm cách bắt quả tang thì họ đã đi mất. THÀNH NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm