Mới đây trên tờ Korea Times của Hàn Quốc khẳng định Mumuso không phải là thương hiệu của Hàn Quốc. Theo đó, trụ sở chính của các cửa hàng này đặt tại Thượng Hải (Trung Quốc), và hầu hết các sản phẩm đều được sản xuất tại đây.
Vào năm 2015, tại Hàn Quốc Mumuso có được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Văn phòng Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) ban hành. Tuy nhiên một cán bộ của KIPO cho rằng: "Lấy giấy chứng nhận ở đây không có nghĩa là một công ty mang thương hiệu Hàn Quốc. Ví dụ như Apple cũng có chứng nhận riêng của mình ở đây, nhưng không có nghĩa đó là thương hiệu của Hàn".
Trước đó, chương trình Morning Power Station của đài MBC phản ánh việc Mumuso mang danh thương hiệu đến từ Hàn Quốc nhưng trụ sở chính của thương hiệu này lại được đặt tại Thượng Hải, Trung Quốc. Trên bao bì của Mumuso, xuất xứ của hầu hết các sản phẩm thuộc thương hiệu này đều từ Trung Quốc.
Khi phóng viên chương trình này tìm đến văn phòng đại diện tại Hàn Quốc theo địa chỉ được ghi trên bao bì sản phẩm của Mumuso, họ chỉ gặp được một người phụ nữ khẳng định đó không phải là địa chỉ văn phòng công ty. Nhưng người phụ nữ này cho biết bà từng thông dịch cho thương hiệu này khi nó mới được thành lập.
Cũng theo tờ Korea Times, không chỉ Mumuso mà các nhãn hiệu khác như Ilahui và Mini Good... cũng là các thương hiệu của Trung Quốc nhưng gắn mác Hàn Quốc để thu hút sự chú ý và mua sắm của người tiêu dùng ở khắp các nước trên châu Á.
Theo Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), trong hai năm qua, khoảng 100 cửa hàng giả như vậy đã được mở tại Việt Nam. Điều này gây nhầm lẫn về niềm tin và chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng.
Còn theo kết luận của Bộ Công Thương, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam, qua kết quả kiểm tra cho thấy về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa: Mumuso Việt Nam kinh doanh 2.273 loại hàng hóa, trong đó, 2257/2.273 (99,3%) loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc, phần còn lại được Mumuso Việt Nam mua tại các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm khác trong nước.
Theo Bộ Công Thương, Mumuso Việt Nam có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng. Trong thông tin, tài liệu cung cấp công khai cho người tiêu dùng, Mumuso Việt Nam sử dụng nhiều nội dung thể hiện sự liên quan tới nguồn gốc từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, Mumuso Việt Nam không cung cấp được các căn cứ, tài liệu để xác minh tính chính xác của các thông tin cung cấp, đặc biệt là thông tin về nguồn gốc, công nghệ sản xuất sản phẩm.
Ngoài ra, Mumuso Việt Nam có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh (quảng cáo gây nhầm lẫn về nơi sản xuất hàng hóa nhằm cạnh tranh không lành mạnh). Chưa hết, Mumuso Việt Nam còn có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa...
Căn cứ kết quả kiểm tra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Các sản phẩm của Mumuso hầu hết đều ghi dòng chữ "Xuất xư: China" rất nhỏ, gây hiểu lầm cho người mua hàng. Ảnh: Thu Hà
Trước những sai phạm của Mumuso Việt Nam, Luật sư Khưu Thanh Tâm (Đoàn Luật sư TP. HCM) chia sẻ: "Căn cứ quy định tại Điều 15 Nghị định 43/2017 về nhãn hàng hóa và căn cứ khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013 về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất và bảo vệ người tiêu dùng đã quy định về“hàng giả” thì trong trường hợp này, công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam có đầy đủ biểu hiện của hành vi buôn bán hàng giả".
Theo Ls. Tâm Mumuso Việt Nam có đầy đủ biểu hiện của hành vi buôn bán hàng giả. Ảnh: T. H
Luật sư Tâm cũng cho biết thêm, đối với hành vi trên thì tùy theo tính chất mức độ, công ty sẽ bị xử lý hành chính hoặc trường hợp nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
Căn cứ quy định tại Điều 13 và Điều 14 Nghị định 185/2013 về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất và bảo vệ người tiêu dùng thì đối với hành vi buôn bán hàng giả thì mức phạt hành chính cao nhất sẽ là 30 triệu đồng, còn đối với hành vi sản xuất hàng giả là 45 triệu đồng.
Ngoài ra, trong trường hợp hàng hóa là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm thì mức phạt sẽ là gấp đôi. Bên cạnh đó, còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả là tịch thu tang vật, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng giả và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Trong trường hợp hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng, số lượng hàng giả lớn hoặc thu lợi bất chính với số tiền lớn thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 192 BLHS theo đó: Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng
- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng
- Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm;
- Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng nhưng gây tổn hại cho sức khỏe của một người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Riêng đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì có thể bị phạt tiền với số tiền lên tới 9 tỷ đồng và có thể bị đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Tuy nhiên chia sẻ trên Người Lao Động, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương, cho hay: "Vi phạm của công ty chưa đến mức phải đóng cửa mà chỉ cần yêu cầu khắc phục các lỗi mắc phải. Nếu họ khắc phục tốt thì được phép tiếp tục kinh doanh, còn không khắc phục thì sẽ có biện pháp xử lý khác". Điều này có nghĩa là Mumuso Việt Nam sẽ chỉ bị xử phạt hành chính mà thôi.
Từng bị phạt 322,5 triệu đồng Được biết vào tháng 3- 2018, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, từng ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hàng loạt vi phạm của Mumuso Việt Nam với tổng số tiền lên đến 322,5 triệu đồng. Với hành vi không công bố sản phẩm mỹ phẩm trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường theo quy định của Nghị định 176. Và hành vi kinh doanh hàng hoá và mỹ phẩm nhập lậu; hành vi kinh doanh hàng hoá nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Ngoài ra, Mumuso còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu và tiêu hủy các sản phẩm hàng hóa, mỹ phẩm vi phạm trên. |