Vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não: Dấu hiệu của tội gì?

(PLO)- Trong vụ nam sinh bị đánh chấn thương sọ não, luật sư cho rằng cơ quan chức năng cần căn cứ vào tính chất mức độ, cường độ tấn công và tính côn đồ của các đối tượng thực hiện hành vi để quyết định khởi tố với tội danh tương ứng theo quy định.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan đến vụ nam sinh lớp 8 ở Hà Nội khi đi đánh bóng rổ bị hành hung dẫn đến chấn thương sọ não, PLO đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) để hiểu rõ hơn về trách nhiệm pháp lý đối với những người gây nên hậu quả trên cho nạn nhân.

Trước đó, mẹ nạn nhân cho biết là cháu NHĐ (14 tuổi, đang là học sinh lớp 8) chơi bóng rổ thì xảy ra mâu thuẫn với cháu K (12 tuổi). K đã gọi người anh trai và bố ra.

Tại đây, K và anh trai đánh cháu Đ, sự việc khiến cháu Đ này bất tỉnh tại chỗ.

nam sinh
Hình ảnh nam sinh bị đánh, tiên lượng xấu. Ảnh CTV

Cần xem xét hành vi phạm tội

Luật sư Trần Tuấn Anh bày tỏ quan điểm, việc có xử lý hình sự hay không và chính xác là tội gì đối với người gây ra chấn thương cho Đ hay không phải phụ thuộc vào kết luận của cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, với những chi tiết mà mẹ Đ đã nêu thì có thể có những nhận định ban đầu như sau:

Trường hợp các đối tượng không dùng hung khí thì cần xác định hành vi có tính chất côn đồ hay không, nghĩa là nếu có dùng tay, chân liên tục tác động mạnh vào các vùng trọng yếu của cơ thể nạn nhân như vùng gáy, đầu, ngực, bụng… thì khi đó cơ quan chức năng có đủ căn cứ để khởi tố về tội giết người theo khoản 1, điều 123 Bộ luật Hình sự.

Trong trường hợp này, nạn nhân còn học lớp 8 - chưa đủ 16 tuổi thì người hành hung còn có thể bị thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp những người hành hung nam sinh dùng hung khí nguy hiểm để tác động vào vùng trọng yếu trên cơ thể như đầu, bụng, tim… dẫn đến nạn nhân bị tổn thương cơ thể, tử vong hoặc chưa tử vong thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội giết người theo quy định tại khoản 1, Điều 123, Bộ Luật hình sự.

Bởi theo khoa học pháp lý, việc nạn nhân không tử vong hoặc chưa tử vong là do được cấp cứu kịp thời, nằm ngoài ý chí chủ quan nhằm tước đoạt mạng sống của người bị hại.

434073937_402114215909930_1021880474851720487_n.jpg
Luật sư Trần Tuấn Anh. Ảnh NVCC

“Khi xử lý về tội giết người, chúng ta căn cứ vào tính chất mức độ của hành vi nguy hiểm, cường độ độ tấn công và án lệ số 47 của Tòa án Nhân dân tối cao.

Đối với những hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu của cơ thể nạn nhân, gây trọng thương, thương tích thì việc bị hại không chết là nằm ngoài ý chí chủ quan do được đưa đi cấp cứu kịp thời.

Vì vậy, trường hợp này cần phải xử lý về hành vi của tội giết người mà không phải là tội cố ý gây thương tích” – luật sư Tuấn Anh nói.

Luật sư cũng cho hay, tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người hay tội giết người thì đối tượng thực hiện hành vi hướng tới đều là sức khỏe, tính mạng của nạn nhân. Rất nhiều người thực hiện hành vi phạm tội, tuy bị hại không chết, nhưng vẫn bị xử lý về tội giết người.

Do đó, luật sư cho rằng cơ quan điều tra trong trường hợp này có thể căn cứ vào tính chất mức độ, cường độ tấn công và tính côn đồ của các đối tượng thực hiện hành vi tấn công để quyết định khởi tố về tội danh theo quy định.

Vị luật sư cho biết thêm, cũng cần xác định tuổi của từng người hành hung nạn nhân. Đối với tội giết người theo khoản 1 thì người chưa đủ 14 tuổi không phải chịu TNHS mà sẽ áp dụng các biện pháp: Đưa vào trường giáo dưỡng; giáo dục tại xã, phường, thị trấn tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi.

Trường hợp từ đủ 14 tuổi trở lên đến dưới 16 tuổi, phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người (khi có đủ căn cứ, trừ trường hợp chuẩn bị phạm tội). Còn nếu từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm

Cần xem xét vai trò của người bố

Là người trực tiếp tới thăm nam sinh Đ và tìm hiểu sự việc, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi của những người đã sử dụng vũ lực đánh liên tiếp vào vùng đầu nạn nhân rất dã man, tàn ác.

Vị luật sư nhận định, nam sinh Đ cao hơn 170 cm, nặng hơn 60kg, nếu ngã đập đầu xuống nền sân thì sẽ để lại những vết thương có thể như xây xước, bầm tím, sưng, chảy máu ở phía trước trán, hai thái dương, đỉnh đầu…

290146530_2021781858025654_8968651835533705853_n.jpg
Luật sư Nguyễn Anh Thơm. Ảnh NVCC

Do đó, có thể thấy việc chấn thương sọ não của nam sinh Đ là do lực tác động bằng vật tày mềm chủ yếu vào vùng hố gáy dẫn tới xuất huyết dưới màng nhện. Như vậy, có thể loại trừ nguyên nhân cháu bị lực tác động rồi ngã va chạm đầu với nền sân đình dẫn tới chấn thương sọ não nặng.

Tuy vậy, để có căn cứ xác định nguyên nhân chấn thương sọ não, cần dựa trên kết quả giám định pháp y của cơ quan chuyên môn về nguyên nhân và cơ chế hình thành vết thương.

Trường hợp xác định có việc sử dụng vũ lực đấm liên tiếp vào vùng gáy, đầu dẫn tới chấn thương sọ não nặng sẽ cấu thành tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự. Trường hợp nạn nhân bị lực tác động làm ngã đập đầu xuống nền chấn thương sọ não do bị tác động làm ngã sẽ cấu thành tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Đối với vai trò của người bố, luật sư Thơm nhận định cần xem xét vai trò đồng phạm. Sau khi con xảy ra mâu thuẫn với người khác, người bố đã cùng 2 con đi xe máy đến gặp nam sinh Đ để "giải quyết".

“Lẽ ra với việc nhỏ nhặt, mâu thuẫn thuẫn trẻ con thì người bố cần phải hỏi rõ con mình về sự việc rồi khuyên giải, nhưng đã bỏ mặc để cho 2 con xông vào đánh nam sinh Đ mà không can ngăn.

Nếu người bố có mặt, đứng ngay gần để mặc con xông vào đánh cháu bé thì là người giúp sức, ủng hộ về tinh thần. Hành vi của người bố trong trường hợp này cần xem xét với vai trò đồng phạm là có căn cứ”- luật sự Thơm nói.

Theo phản ánh của chị L, chiều 17-3, con trai chị là cháu NHĐ (14 tuổi, đang là học sinh lớp 8) chơi bóng rổ tại sân đình Lệ Mật, thuộc địa bàn quận Long Biên. Tại đây, Đ mâu thuẫn với cháu K (12 tuổi). K đã gọi người anh trai và bố ra.

Tại đây, K và anh trai đánh cháu Đ, sự việc khiến cháu Đ này bất tỉnh tại chỗ. Sau đó, Đ được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 108 và trải qua 2 lần phẫu thuật.

"Cháu bị chấn thương sọ não, tiên lượng xấu, phải dùng máy thở để duy trì sự sống" - chị L cho biết.

Đến sáng ngày 26-3, gia đình đã đưa Đ về quê nhà và nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, công an đã mời những người liên quan đến trụ sở để làm việc lấy lời khai. Hiện vụ việc nam sinh bị đánh đang được tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm