Ngày 26-3, trao đổi với PLO, bác sĩ Lê Quang Lệnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa, lấy làm tiếc trong vụ một bệnh nhân tử vong do nhiễm cúm cúm A/H5 mà trước đó có vào cơ sở để điều trị.
"Đây là trường hợp đầu tiên nên thường rất khó chẩn đoán. Vấn đề là ở chỗ mình không nghĩ đến bệnh nhân nhiễm cúm vì địa phương chưa có ổ dịch, chưa có cảnh báo. Nếu nghĩ đến đó là bệnh cúm cúm A/H5 sẽ lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi Viện Pasteur xét nghiệm ngay.
Ca bệnh là điều đáng tiếc
Theo bác sĩ Lệnh, triệu chứng khởi đầu của bệnh nhân Đ rất giống các bệnh cúm thông thường khác nên các bác sĩ không nghĩ tới là bệnh nhân nhiễm cúm A/H5.
“Điều này là rất đáng tiếc. Ca đầu rất khó để chẩn đoán đúng và đây là điều đáng tiếc của chúng tôi”, bác sĩ Lệnh nói.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Lệnh, với trường hợp này bệnh viện có chẩn đoán đúng ngay từ đầu thì cũng không có thuốc điều trị, vì chủng cúm này tỷ lệ tử vong lên đến 50%.
“Lúc nhập viện bệnh nhân Đ không có biểu hiện gì của bệnh hô hấp mà chỉ sốt cao giống như các bệnh cúm khác như giảm tiểu cầu, đau đầu, xung huyết, đau bụng, tiêu chảy... như bệnh sốt xuất huyết.
Ngay cả khi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa bệnh nhân mới xuất hiện triệu chứng suy hô hấp, cúm. Tuy nhiên, lúc này bệnh đã biến chứng. Cái khó của bệnh này là diễn biến rất nhanh, chỉ một hay hai ngày các cơ quan bên trong bị phá hủy, nhất là phổi”, bác sĩ Lệnh cho hay.
“Với tư cách bác sĩ, ước muốn thì nhiều nhưng đôi khi cũng lực bất tòng tâm. Nếu phát hiện sớm chắc chắn đỡ phần nào, tuy nhiên gặp đúng ca nặng, chuyển biến nhanh như vừa qua cũng rất khó cứu chữa” - bác sĩ Lệnh cho biết thêm.
Cũng theo bác sĩ này, hiện bệnh cúm A/H5 chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên việc điều trị chỉ là hỗ trợ sức đề kháng để cơ thể vượt qua. Nếu trường hợp cúm A/H5 diễn biến nặng như trường hợp ca bệnh nam sinh viên vừa qua, các y bác sĩ cũng chỉ can thiệp để giữ lấy tính mạng chứ không phải dùng thuốc điều trị đặc hiệu, việc giữ tính mạng được hay không cũng khá mong manh.
Người dân đang lo lắng vì nếu vào viện mà chẩn đoán sai, không phát hiện đang nhiễm cúm A/H5 sẽ rất nguy hiểm?
Trả lời PLO, bác sĩ Lệnh thừa nhận sau ca bệnh cúm A/H5 tử vong vừa qua không chỉ người dân hoang mang mà cả các y bác sĩ cũng đang lo lắng.
“Tuy nhiên, qua ca đầu này không riêng gì Khánh Hòa mà cả nước sẽ cảnh giác và Bộ Y tế đã cảnh báo về dịch cúm gia cầm rồi. Do vậy, những ca tiếp theo sẽ phát hiện nhanh hơn, các sơ sở y tế sẽ chủ động hơn trong chẩn đoán, lấy mẫu xét nghiệm vì thực tế bệnh này quá nguy hiểm” - bác sĩ Lệnh nói thêm.
Theo thông tin Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế công bố chiều 24-3, xác nhận đây là ca cúm A/H5N1 đầu tiên trong năm và đã tử vong, là ca thứ hai kể từ năm 2014 sau nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người tại Việt Nam.
Ca thứ nhất được ghi nhận vào tháng 10-2022, tại Phú Thọ. Từ năm 2003 đến nay, cả nước có 128 người nhiễm cúm A/H5N1, trong đó 65 người tử vong (tỷ lệ 50,8%).
Chưa tìm ra nguồn lây
Bác sĩ Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, cho biết đã cho kiểm tra lại các quy trình chữa trị đối với trường hợp bệnh nhân Đ và chưa phát hiện có bất thường.
Khi PV PLO đặt câu hỏi tính từ lúc bệnh nhân Đ đi khám lần đầu (ngày 15-3) đến lúc bệnh trở nặng là hai ngày (17-3). Vậy có phải Bệnh viện Đa khoa khu Ninh Hòa - cơ sở 2, đã không phát hiện hay chẩn đoán đúng bệnh? Bác sĩ Minh cho biết triệu chứng cảm cúm có rất nhiều và ai cũng có thể gặp. Trong trường hợp này, khi vào viện yếu tố quyết định để chẩn đoán đúng bệnh không chỉ nằm ở các y bác sĩ mà chính bệnh nhân.
“Nếu vào viện mà có các triệu chứng của cúm, như sốt, ho nhẹ, đau họng… thì việc đầu tiên là khai lịch sử bệnh. Nghĩa vụ của bác sĩ là khai thác bệnh sử khi nghi ngờ và cái này Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa đã làm rồi. Còn nghĩa vụ của người bệnh là khai đúng, đầy đủ bệnh sử để bác sĩ nắm, từ đó đưa ra các biện pháp chẩn đoán, chữa trị” - bác sĩ Minh nói.
Liên quan vấn đề trên, bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Khánh Hòa, cũng khẳng định việc chẩn đoán ban đầu của bệnh cúm rất quan trọng. Trong trường hợp bệnh nhân Đ, lúc đó đang ôn thi nên lúc khởi phát đã chủ quan, muốn dành nhiều thời gian để ôn bài mà không nằm lại bệnh viện.
“Bất cứ người bệnh nào nhập viện đều được bác sĩ yêu cầu khai bệnh sử. Cúm A/H5 diễn biến bệnh lý rất nhanh nên người bệnh phải khai đầy đủ việc có ăn gà, vịt hay gia cầm chết, nhiễm bệnh không, kể cả tiếp xúc gần hay đi bẫy chim. Việc khai này sẽ giúp các bác sĩ chủ động trong công tác chữa bệnh và lấy các mẫu xét nghiệm ngay vì quy trình luôn phải đảm bảo” - bác sĩ Toàn phân tích.
Một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc khai bệnh sử khi nhập viện với các triệu chứng của cảm cúm, bác sĩ Toàn khuyến cáo người dân không nên ăn gia cầm chết hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh. Đồng thời, hàng năm người dân nên đi tiêm vaccine nhắc lại phòng cúm.
“Việc tiêm vaccine phòng cúm rất cần thiết, vì dù không đúng chủng cúm nó vẫn ít nhiều giúp cơ thể có đề kháng, làm chậm quá trình phát triển của vi-rút” - bác sĩ Toàn nói thêm.
Về nguồn lây khiến bệnh nhân Đ tử vong, bác sĩ Toàn cho biết hiện vẫn chưa xác định được.
“Gà, vịt, chim ở khu vực nhà nạn nhân và cả khu vực ký túc xá chúng tôi đã lấy mẫu, xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với cúm A/H5. Còn việc người nhà khai dịp cuối tuần Đ về nhà có bẫy chim nhưng rất khó vì không thể lấy mẫu được. Thời điểm nam bệnh nhân chuyển bệnh thì người nhà đã phóng sinh chim ra ngoài. Ngành chức năng 'nghi vấn nguồn lây từ chim hoang dã này'” - bác sĩ Toàn nói và cho biết khu vực thị xã Ninh Hòa cũng không có ổ dịch cúm A/H5 nào.
Như PLO đã đưa tin, bệnh nhân là BTĐ (21 tuổi, ngụ thị xã Ninh Hòa) khởi phát các triệu chứng sốt, ho nhẹ vào ngày 11-3 và tự mua thuốc uống nhưng bệnh không thuyên giảm.
Ngày 15-3, bệnh nhân tới Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa (cơ sở 2) khám, được chẩn đoán viêm họng - thanh quản cấp, theo dõi sốt xuất huyết Dengue, được điều trị ngoại trú.
Đến 11 giờ 30 ngày 16-3, bệnh nhân sốt, mệt nhiều nên vào Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa trong tình trạng sốt cao, đau bụng quanh rốn, đi cầu lỏng được chẩn đoán nhiễm khuẩn ruột, nhiễm trùng huyết, theo dõi sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và chuyển vào Khoa Truyền nhiễm điều trị tiếp.
Sáng 17-3, bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Khoa Nội tổng hợp Thần kinh. Chẩn đoán TD viêm phổi/TD nhiễm trùng tiểu, điều trị theo phác đồ.
Đến 14 giờ ngày 18-3, bệnh nhân khó thở, thở nhanh, độ bão hòa oxy SpO2 80%, bệnh nhân được chuyển hồi sức tích cực – chống độc điều trị. Tại đây, bệnh nhân tỉnh, kích thích, thở máy qua nội khí quản, phổi nghe ran nổ hai phế trường, huyết áp phụ thuộc vận mạch liều 0.15 mcg/phút.
Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm dịch hút nội khí quản ngày 19-3 và cho kết quả nhiễm cúm A/H5. Chẩn đoán viêm phổi nặng do cúm A/H5.
Lúc 18 giờ ngày 20-3, bệnh nhân chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới điều trị và tử vong ba ngày sau đó.