Phát hiện 1 sinh viên ở Nha Trang nhiễm cúm gia cầm A/H5

(PLO)- Sinh viên đang ở trong ký túc xá trường Đại học Nha Trang xuất hiện các triệu chứng sốt cao, đau bụng quanh rốn, đi cầu lỏng và được chuẩn đoán nhiễm cúm gia cầm (cúm A/H5).

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 22-3, bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Khánh Hòa, cho biết trên địa bàn vừa ghi nhận một trường hợp là sinh viên nhiễm cúm gia cầm (cúm A/H5).

Bệnh nhân là BTĐ (21 tuổi, ngụ thị xã Ninh Hòa), sinh viên đang học tại TP Nha Trang. Trước đó, ngày 11-3 bệnh khởi phát với triệu chứng sốt, ho nhẹ, bệnh nhân đã tự mua thuốc uống nhưng bệnh không thuyên giảm.

Đến ngày 15-3, bệnh nhân về nhà ở thị xã Ninh Hòa và chỉ tiếp xúc với mẹ và em gái. Tiếp đó, bệnh nhân đến khám tại cơ sở 2 của Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa, được chẩn đoán viêm họng - thanh quản cấp/theo dõi sốt xuất huyết Dengue.

Bác sĩ có đề nghị nhập viện theo dõi nhưng bệnh nhân xin kê đơn về điều trị ngoại trú.

cúm.jpg
Ký túc xá trường Đại học Nha Trang, nơi bệnh nhân mắc cúm gia cầm A/H5 ở đã được phun khử khuẩn. Ảnh: XH

Một ngày sau, bệnh nhân nhập khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa) trong tình trạng sốt cao, đau bụng quanh rốn, đi cầu lỏng. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhiễm khuẩn ruột, nhiễm trùng huyết có dấu hiệu cảnh báo và chuyển vào khoa Truyền nhiễm điều trị.

Đến ngày 17-3, bệnh diễn biến nặng nên bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của Viện Pasteur Nha Trang ngày 20-3 của bệnh nhân cho kết quả dương tính với virus cúm gia cầm A/H5.

Hiện bệnh nhân diễn biến nặng, đang cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.

Theo bác sĩ Toàn, sau khi tiếp nhận thông tin dịch tễ, CDC Khánh Hòa đã hướng dẫn người nhà bệnh nhân các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời, lập danh sách 14 cán bộ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và sáu cán bộ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để theo dõi sức khỏe, thực hiện khử khuẩn các khu vực khám, điều trị, xe vận chuyển.

Ngoài ra, bốn người nhà bệnh nhân, gồm mẹ, dì và em gái cũng được theo dõi sát tình hình sức khỏe.

Phòng ở và dãy phòng trong dãy nhà ký túc xá Trường Đại học Nha Trang, nơi bệnh nhân đang theo học cũng được phun khử khuẩn bằng Cloramin B. Sáu bạn cùng phòng và 60 sinh viên học cùng lớp với bệnh nhân cũng được theo dõi sức khỏe.

“Hiện CDC Khánh Hòa đang theo dõi các trường hợp tiếp xúc, có liên quan, đồng thời điều tra tìm nguồn lây”, bác sĩ Toàn thông tin thêm.

Cách nhận biết khi nhiễm cúm A/H5

Cúm gia cầm (cúm A/H5) là loại bệnh dịch nguy hiểm, lan truyền rất nhanh, có thể gây dịch ở người rất khó kiểm soát, tỉ lệ tử vong chiếm gần 50%, cao nhất trong số các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.

Cúm gia cầm là bệnh có thể lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, qua việc tiếp xúc và ăn gia cầm, lợn ốm, chết do nhiễm vi rút cúm A/H5.

Người bị nhiễm virus cúm A/H5 chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với động vật bị bệnh. Nguy cơ lớn nhất mắc cúm gia cầm đó là việc tiếp xúc với gia cầm bị bệnh hoặc với các bề mặt bị ô nhiễm như lông, nước bọt hoặc phân của gia cầm.

Rất hiếm khi dịch cúm gia cầm được truyền từ người sang người, trong các trường hợp có sự tiếp xúc đặc biệt gần gũi với người bệnh như mẹ chăm sóc trẻ bị nhiễm bệnh thì virus cúm A/H5 mới lây từ người sang người.

Người bị cúm gia cầm thường có các triệu chứng giống với cúm thông thường và kèm theo một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm hơn (trong vòng 2-5 ngày kể từ ngày bị virus cúm A/H5 xâm nhập).

Các triệu chứng thường gặp, như sốt cao đột ngột trên 38 độ C; rét run, đau đầu; đau ngực, khó thở, tim đập nhanh; đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm; đau nhức cơ, mệt mỏi rã rời…

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh cúm này cho người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm