Vụ Navalny: Nga nói EU 'không thân thiện', dọa sẽ hành động

Nga hôm 15-10 tuyên bố các biện pháp trừng phạt do Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên các quan chức thân cận với Tổng thống Vladimir Putin là bước đi có chủ ý và không thân thiện đối với Moscow, đồng thời hứa hẹn sẽ trả đũa.

EU đã nhắm mục tiêu vào sáu cá nhân Nga và một trung tâm nghiên cứu khoa học của nhà nước trong một phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ bất ngờ đối với vụ đầu độc nhân vật đối lập Alexei Navalny của Điện Kremlin hồi tháng 8.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng không có logic nào với quyết định của EU, và rằng các biện pháp trừng phạt đã làm tổn hại đến các mối quan hệ giữa Nga với khối này.

“Tất nhiên, Moscow sẽ phân tích tình hình và hành động vì lợi ích của mình” – hãng tin Anadolou dẫn lời phát ngôn viên Peskov nói với các phóng viên.

Ông Alexei Navalny. Ảnh: AP

Danh sách trừng phạt bao gồm Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga Alexsander Bortnikov, hai thứ trưởng quốc phòng Pavel Popov và Aleksey Krivoruchko, Đại diện đặc mệnh toàn quyền của Tổng thống Liên bang Nga tại Siberia – ông Sergei Menyailo, Phó Tham mưu trưởng thứ nhất của Văn phòng Điều hành Tổng thống Liên bang Sergei Kiriyenko, và ông Andrei Yarin - Giám đốc Ban Chính sách Đối nội của Tổng thống.

Các biện pháp trừng phạt cũng được áp dụng đối với Viện Nghiên cứu Khoa học Nhà nước về Hóa học và Công nghệ Hữu cơ ở Nga.

Ông Peskov hôm 15-10 không nêu cụ thể hành động mà Nga sẽ thực hiện nhằm đáp trả động thái của EU, nhưng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 13-10 cho biết Moscow sẽ chấm dứt đối thoại với EU nếu tổ chức này tiếp tục đe dọa và trừng phạt Nga.

"Những người chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại của các nước phương Tây không hiểu rõ tầm quan trọng của việc tôn trọng lẫn nhau, chúng ta có thể phải tạm dừng đối thoại với họ trong một thời gian. Đặc biệt khi bà Ursula von der Leyen (Chủ tịch Ủy ban châu Âu) còn cho rằng việc hợp tác địa chính trị với Nga đã không còn hiệu quả nữa" - ông Lavrov nói.

Ông Navalny (44 tuổi) phát bệnh trên chuyến bay từ TP Tomsk (vùng Siberia) về thủ đô Moscow hôm 20-8. Máy bay hạ cánh khẩn tại TP Omsk và ông được đưa tới bệnh viện địa phương 17 phút sau đó. Khi ông rơi vào trạng thái hôn mê và thở máy, các bác sĩ bệnh viện Omsk đã đấu tranh không ngừng nghỉ nhằm giành lại sự sống cho ông.

Ngay sau khi ông Navalny phát bệnh, người phát ngôn của ông – bà Kira Yarmysh cho rằng ông có thể đã bị đầu độc. Dù vậy, sau khi tiến hành nhiều xét nghiệm, các bác sĩ Nga kết luận không có dấu vết độc tố trong người ông Navalny. Họ cho rằng tình trạng của ông Navalny là do bị giảm đột ngột lượng đường trong máu.

Hai ngày sau, tức 22-8, các bác sĩ kết luận ông đủ điều kiện để đi máy bay nên đã đưa ông tới Đức để tiếp tục điều trị theo nguyện vọng của gia đình ông. Quân đội Đức và các phòng thí nghiệm độc lập ở Thụy Điển và Pháp xác nhận ông Navalny đã bị đầu độc bằng chất Novichok, vốn mạnh hơn gấp 10 lân chất độc sarin.

Phản ứng với vụ việc này, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã yêu cầu Nga đưa ra lời giải thích rõ ràng.

Về phần mình, ông Navalny liên tục cáo buộc Tổng thống Putin đứng sau vụ đầu độc mình trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông phương Tây. Nhân vật này đang hồi phục sức khỏe ở Đức, và theo chính khách Nga Vladimir Zhirinovsky, ông Navalny sẽ không bao giờ trở về nước vì biết sẽ đối mặt viễn cảnh bị bỏ tù do thông đồng với tình báo nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm