Liên quan đến vụ ngập nước hi hữu trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, ngày 2-8, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Quốc Nam, Giám đốc Sở GTVT Bình Thuận cho biết, trước mắt đã đề nghị Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long có phương án xử lý nếu mực nước dâng cao trên cao tốc.
Đoạn cao tốc bị ngập nước rạng sáng 29-7 làm kẹt xe 10km. Ảnh CTV |
Sở GTVT cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiến hành khảo sát và chậm nhất đến ngày 15-8 phải có báo cáo.
Trước đó, trong cuộc họp làm rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng ngập nước trên cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây (đoạn Km25+300 - Km25+400) vào ngày 31-7 đã có nhiều ý kiến mổ xẻ việc ngập nước hi hữu này.
Đại diện Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng 533 là đơn vị tư vấn thiết kế đoạn xảy ra ngập nước cho rằng, dựa trên điều tra dữ liệu thủy văn thì mực nước lũ sông Phan (cách điểm ngập khoảng 150m) dâng cao nhất vào năm 1992 là khoảng 41,2m.
Đơn vị tư vấn dựa vào số liệu này và kết hợp thiết kế cao độ mặt đường. Riêng kích thước 2,5m x 2,5m của cống thoát nước là phù hợp với các đặc trưng dòng chảy lũ và tính toán thủy văn, thủy lực cầu đường.
Có ý kiến còn cho rằng, ngoài việc mưa quá lớn, một trong những nguyên nhân gây ngập cao tốc là do đập Sông Phan xả nước với lưu lượng 90 m³/giây khiến nước không thoát kịp. Ngoài ra đơn vị tư vấn thiết kế cũng "nghi vấn" do người dân trồng cây lấn vào dòng chảy kênh, mương thoát nước nằm ngoài phạm vi cao tốc, ngăn dòng chảy nên mới gây ngập…
Nước dâng sát đáy cầu sông Phan ngày 29-7. Ảnh CTV |
Phản biện ý kiến này, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận khẳng định, ngày 28 và 29-7 (thời điểm đoạn cao tốc bị ngập nước) hồ thủy lợi Sông Phan không xả lũ mà chỉ xả tràn với lưu lượng khoảng từ 86m3 đến 90m3/s. Với khối lượng xả tràn này là rất bình thường.
“Hồ Sông Phan là công trình thủy lợi cấp II, xây dựng để chịu được lũ tần suất 50 năm xảy ra một lần và lưu lượng xả tối đa theo thiết kế đến 600 m³/giây. Chỉ với một lượng mưa và lượng xả tràn chưa đến 1/6 mức thiết kế tối đa mà cao tốc đã ngập nặng. Nếu lượng xả lũ đạt đến mức cho phép thì cao tốc sẽ bị ngập đến đâu?”, đại diện Sở NN&PTNT phân tích.
Hồ thủy lợi sông Phan. Ảnh PN. |
Đại diện Sở NN&PTNT Bình Thuận cũng cho rằng, ngay cả khi thiết kế theo số liệu đỉnh lũ sông Phan vào năm 1992 thì cũng khó có thể ngập cao tốc sâu đến như vậy.
Vị đại diện này đề xuất cần kiểm tra các thông số mực nước dâng của hồ thủy lợi Sông Phan làm thiết kế cơ sở; kiểm tra lại mực nước để xác định lại thiết kế cao độ cống và tính toán lại mực nước xả lũ để có điều chỉnh phù hợp…
Ông Nguyễn Quốc Nam, Giám đốc Sở GTVT Bình Thuận kết luận cuộc họp. Ảnh CTV |
Ngày 2-8, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Đình Hoan, Chủ tịch UBND xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, cho biết, ngày 31-7, tại cuộc họp trên, ông đã có ý kiến về những phát biểu của đơn vị tư vấn thiết kế tại cuộc họp.
"Đỉnh lũ tại sông Phan cao nhất là vào năm 1999 chứ không phải năm 1992. Đây là xác nhận của những người dân ở gần sông Phan từ bao lâu nay. Tại sao lại không thiết kế ở mốc đỉnh lũ gần hơn mà lại lấy mốc đỉnh lũ từ năm 1992? Về ý kiến người dân trồng cây lấn kênh mương ảnh hưởng dòng chảy là không đúng. Toàn bộ những cây cối mọc ở mé sông Phan là cây tự nhiên, khi nước lũ lớn thì tràn qua chứ làm gì có việc người dân trồng cây lấn vào kênh mương thoát nước?”, ông Hoan cho biết và xác nhận ý kiến trên ông đã nêu ra tại cuộc họp.
Dù chưa có kết luận chính thức nhưng qua các ý kiến phân tích, có thể thấy việc ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vào rạng sáng 29-7, lượng mưa không lớn đến mức phải xả lũ và lưu lượng xả tràn từ hồ Sông Phan là bình thường.
Ngoài ra, đỉnh lũ cao nhất ở sông Phan là vào năm 1999 chứ không phải năm 1992 và cây ở mé sông Phan là cây rừng tự nhiên chứ không phải cây người dân tự trồng lấn vào kênh mương để đến mức góp phần gây ra ngập lụt!
Vậy cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị ngập lỗi là do tại anh, tại ả hay tại cả đôi bên?