Vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai: Lời cảnh tỉnh về tai nạn lao động

(PLO)- Pháp luật đã có những quy định cụ thể và đầy đủ về an toàn vệ sinh lao động, thế nhưng vẫn xảy ra nhiều vi phạm dẫn đến hậu quả thương tâm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau những thông tin liên quan đến vụ nổ lò hơi tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh (Đồng Nai) vào ngày 1-5 làm sáu người tử vong, năm người bị thương vừa qua, nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự quan tâm đến vụ việc trên.

Một số bạn đọc đã có những chia sẻ bày tỏ thương tiếc, chia buồn với các nạn nhân và những cảnh báo về an toàn lao động.

Thiết bị cũ, quá hạn: “Như bom nổ chậm”

Bạn đọc Lâm Ngọc (ngụ TP.HCM) chia sẻ, tai nạn lao động vừa rồi ở Đồng Nai là câu chuyện mà không một ai mong muốn xảy ra nhưng tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, để hạn chế, ngăn ngừa những nguy cơ tai nạn như trên thì các công ty, nhà máy phải đảm bảo quy trình kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị thường xuyên.

“Xem video lúc tai nạn xảy ra, tôi có thể mường tượng ra tiếng nổ thật kinh hoàng ấy. Tai nạn lao động xảy ra lúc đó chắc hẳn là một cú sốc cho những công nhân có mặt tại nhà máy. Chưa biết nguyên nhân cụ thể vụ nổ là gì nhưng những lò hơi công nghiệp nếu không được kiểm tra, bảo dưỡng đúng quy trình thì rất nguy hiểm. Đơn giản như là các bình hơi ở các tiệm vá xe, khi nổ cũng gây tai nạn chết người, nói chi là lò hơi công nghiệp” - bạn đọc Lâm Ngọc nói.

nổ lò hơi.jpg
Hiện trường vụ nổ lò hơi làm sáu người tử vong. Ảnh: VH

Tương tự, bạn đọc Nguyễn Hữu Dũng (ngụ Vĩnh Long) cũng bày tỏ sự chia buồn với các nạn nhân của vụ tai nạn lao động ở Đồng Nai. Theo bạn đọc Nguyễn Hữu Dũng, một số tai nạn lao động xảy ra trước đây cũng do một phần chủ quan từ người quản lý và người vận hành thiết bị. Có thiết bị quá cũ, hết hạn sử dụng hoặc không được bảo dưỡng thường xuyên nhưng vẫn cho hoạt động nên nó như “quả bom nổ chậm”, có thể cháy nổ bất cứ lúc nào.

Gần đây nhất, báo chí có thông tin về vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm bảy công nhân tử vong và ba công nhân bị thương nặng tại Yên Bái. Từ đó cho thấy cơ quan chức năng cần tăng cường việc kiểm tra về an toàn lao động ở các công ty, nhà máy sản xuất. Việc này nhằm đảm bảo an toàn không chỉ cho người lao động, mà còn an toàn cho cả khu vực xung quanh nhà máy, xí nghiệp.

3 vụ tai nạn, 17 người chết

Hôm 1-5, một vụ nổ lò hơi xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh (tỉnh Đồng Nai) làm 6 người chết, 5 người bị thương.

9 ngày trước đó, hôm 22-4, tại Công ty CP Xi-măng và Khoáng sản Yên Bái (tỉnh Yên Bái), một nhóm công nhân tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ máy nghiền thì bất ngờ xảy ra sự cố, 7 người tử vong tại chỗ.

Cũng tháng 4, ở Quảng Ninh, 4 công nhân của Công ty Than Thống Nhất ra đi mãi mãi sau sự cố hầm lò...

Mạnh tay xử lý vi phạm an toàn lao động

Từ những hậu quả của vụ nổ trên, bạn đọc cũng đặt ra nhiều câu hỏi về nguyên nhân cũng như việc sử dụng lao động quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro cũng như công tác đảm bảo an toàn lao động trong các nhà máy, doanh nghiệp và quy định lao động, chất lượng thiết bị, kỹ thuật…

Bạn đọc Nguyễn Đước cho biết hiện nay theo quy định của pháp luật cũng đã có những quy định tương đối cụ thể về công tác an toàn vệ sinh lao động đối với các đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng lao động. Luật cũng có nhiều điều khoản buộc các đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, thi công phải tiến hành xây dựng, thực hiện nghiêm các biện pháp, phương án về an toàn vệ sinh lao động. Việc này nhằm ngăn chặn, phòng ngừa tai nạn lao động, đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người lao động.

“Tuy nhiên, có thể nói hầu hết các vụ tai nạn lao động đa số xuất phát từ các đơn vị sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp. Cụ thể là thiếu các biện pháp, phương án kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trước khi công nhân, người lao động làm việc, thi công và vận hành máy móc, thiết bị. Đặc biệt, việc thiếu các nội quy, quy định, quy trình làm việc liên quan đến việc vận hành và sử dụng các thiết bị, máy móc…” - bạn đọc Nguyễn Đước cho hay.

Cũng theo bạn đọc Nguyễn Đước, để ngăn chặn, phòng ngừa hậu quả của những vụ tai nạn lao động, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh tay. Cụ thể là nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh nếu không thực hiện đầy đủ những quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.

Đặc biệt là các hành vi không lập phương án, không tiến hành xây dựng các biện pháp, phương án đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, thiếu các nội quy, quy trình liên quan đến việc sử dụng, vận hành thiết bị, máy móc.

“Cơ quan chức năng nên tăng cường kiểm tra đột xuất, định kỳ theo chức năng quy định tại các doanh nghiệp có nhiều yếu tố, nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh lao động, các doanh nghiệp có nhiều biểu hiện vi phạm, không thực hiện tốt và đầy đủ các biện pháp, quy định về an toàn vệ sinh lao động. Đối với các doanh nghiệp để xảy ra tai nạn lao động làm chết người thì cần phải mạnh tay xử lý trách nhiệm nếu nguyên nhân do thiếu xây dựng các phương án đảm bảo an toàn vệ sinh lao động” - bạn đọc Nguyễn Đước nói.

Tạm giữ giám đốc công ty

Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Đồng Nai, vào ngày 30-4, trong quá trình sử dụng lò hơi tại xưởng bán thành phẩm thuộc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh (công ty) phát hiện có trục trặc về mặt kỹ thuật nên đã liên hệ với đơn vị cung cấp thiết bị đến để kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa.

Đến sáng 1-5, cán bộ kỹ thuật của công ty vào kiểm tra, vận hành thì lò hơi phát nổ. Tại thời điểm đó có 42 công nhân đang làm việc, hậu quả làm sáu người chết và năm người bị thương.

Ngày 3-5, các cơ quan thực thi pháp luật tỉnh Đồng Nai đã tạm giữ giám đốc công ty này để phục vụ công tác điều tra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm