Theo đó, Sở Y tế đã tiến hành xử lý nghiêm phòng khám và các cá nhân liên quan với tổng số tiền phạt là 155 triệu đồng, cụ thể:
Xử phạt tiền 35 triệu đồng và tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề của Bà Lian Xing Fang trong thời hạn chín tháng với hành vi vi phạm: Hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép. Xử phạt tiền 120 triệu đồng đối với Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Quốc Tế với hành vi vi phạm: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn ghi trong giấy phép hoạt động
Ngoài ra, Giám đốc Sở Y tế cũng đã ra quyết định cảnh cáo ông Đinh Khắc Hiếu là bác sĩ phụ trách chuyên môn kỹ thuật của phòng khám do không thực hiện hết trách nhiệm giám sát hoạt động chuyên môn của phòng khám để xảy ra sai phạm như trên.
Bên cạnh đó, Phòng khám đa khoa Quốc Tế được đưa vào diện giám sát thường xuyên của Thanh tra nhằm phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời những thiếu sót trong quá trình hoạt động (nếu có).
Sở Y tế TP cũng kiến nghị Bộ Y tế sau khi cấp Chứng chỉ hành nghề cho người nước ngoài hành nghề trên lãnh thổ Việt Nam, khi người được cấp Chứng chỉ hành nghề đăng ký hành nghề thì cần có qui định yêu cầu người hành nghề phải được tập huấn, phổ biến các qui định liên quan đến khám chữa bệnh (trong đó có qui chế chuyên môn).
Trong thực tế, do rào cản về ngôn ngữ nên phần lớn người nước ngoài khi hành nghề tại Việt Nam, dù có thông dịch viên hỗ trợ, vẫn không hiểu biết đầy đủ về qui định của ngành y tế.
Trường hợp tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề của người hành nghề do Bộ Y tế cấp, Bộ Y tế có thể ủy quyền cho Sở Y tế quản lý cơ sở người hành nghề hoạt động thực hiện các thủ tục tạm giữ Chứng chỉ hành nghề theo qui định để thuận lợi cho người hành nghề.
Theo Sở Y tế TP.HCM, trường hợp bệnh nhân M.T.M (48 tuổi đến phòng khám ngày 8-4, được bác sĩ Lian Xing Fang (Quốc tịch Trung Quốc, chuyên môn: Khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa Sản phụ khoa) khám xác định mang thai 16 tuần.
Bà M.T.M đã xin được phá thai vì tuổi lớn và vỡ kế hoạch. Ban đầu bác sĩ Lian Xing Fang từ chối. Nhưng do bệnh nhân mong muốn được phá thai nên bác sĩ đã hẹn hai ngày sau đến thực hiện thủ thuật.
Ngày 10-4, bệnh nhân M trở lại phòng khám, được chính bác sĩ Fang thực hiện thủ thuật và đã gây ra tai biến (thủng tử cung) trên trong lúc tiến hành. Ngay khi phát hiện ra tai biến, bác sĩ Fang đã báo cáo lãnh đạo phòng khám nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại BV Từ Dũ. BV đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu cắt bỏ tử cung bị thủng và sau đó bệnh nhân đã phục hồi tốt, xuất viện ổn.
Trong quá trình bệnh nhân nằm viện, đại diện phòng khám đã cùng gia đình chăm sóc cho bệnh nhân và chi trả chi phí điều trị (đến nay Sở Y tế không nhận được bất cứ yêu cầu cũng như khiếu nại nào của bệnh nhân, gia đình bệnh nhân cũng không đồng ý tiếp xúc người ngoài). Trong quá trình điều trị, phải rất khó khăn BV Từ Dũ mới xác định được tên phòng khám đã điều trị trước đó cho bệnh nhân và cũng không chắc chắn.
Qua biên bản họp của Phòng khám và làm việc trực tiếp của Thanh tra Sở với bác sĩ Fang, có thể xác định: Việc thực hiện thủ thuật của bác sĩ Fang ở trường hợp này là quá phạm vi chuyên môn của phòng khám cũng như của chính vị bác sĩ này. Phòng khám khẳng định không có chủ trương thực hiện các thủ thuật ở thai 16 tuần như vậy, do lỗi của người Phụ trách chuyên môn kỹ thuật không giám sát kỹ đã để bác sĩ thực hiện thủ thuật này.
Cạnh đó, bác sĩ Fang đã nhận ra sai sót của mình và cho biết không phải là chủ trương của phòng khám, đây là ca bệnh phá thai lớn đầu tiên được thực hiện. Vì chủ quan, bác sĩ Fang cho rằng ở Trung Quốc bà đã từng thực hiện thủ thuật như vậy và bà nghĩ ở Việt Nam cũng được làm theo chứng chỉ hành nghề được cấp.