Đại biểu (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói về vụ phân bón Thuận Phong: “Tôi có trao đổi với đồng chí Phó Thủ tướng thường trực, rằng vụ Thuận Phong chúng tôi muốn làm cho rõ vấn đề. Ở đây không phải là vấn đề chúng ta xử lý doanh nghiệp mà vấn đề quan trọng là làm sao khởi tố làm rõ việc này để đảm bảo công bằng cho cả công ty và cả 60 triệu nông dân”.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí công nhận đây là một vụ việc mà các ĐB quan tâm. Nhưng cần phải xác định xem công ty có vi phạm pháp luật, tức là có sản xuất, nhập khẩu, mua bán phân giả hay không.
“VKSND Tối cao khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã yêu cầu VKSND tỉnh Đồng Nai hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Công an tỉnh Đồng Nai và yêu cầu thụ lý theo tố tụng. Công an tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận và thụ lý. Vừa rồi Công an tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và Bộ KH&CN giám định để trả lời kết quả về việc phân bón có giả hay không, có giả mạo nhãn hàng hóa hay không. Đến giờ này Bộ NN&PTNT có một văn bản trả lời nhưng kết quả trả lời của Bộ NN&PTNT thì chưa đạt được yêu cầu của giám định điều tra. Còn Bộ Công Thương và Bộ KH&CN chưa trả lời” - Viện trưởng Lê Minh Trí lý giải và nói đây là “chỗ vướng”.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) tranh luận lại: “Đây là một vụ việc điển hình cho nạn sản xuất phân bón giả, làm hại nông dân. Vụ việc này đã được chất vấn xuyên qua hai nhiệm kỳ của Quốc hội. Đây là vụ việc sản xuất phân bón giả vì hàm lượng chất chính không đủ”.
Vẫn theo ĐB Cương, đã có văn bản của sáu bộ, ngành thống nhất về việc này và đã được giám định hai lần. Mới đây nhất, ngày 13-3, Bộ Tư pháp đã có văn bản báo cáo Thủ tướng là Thuận Phong sản xuất phân bón giả và tàng trữ, vận chuyển và buôn bán hàng cấm và đề nghị viện trưởng nghiên cứu và có những chỉ đạo vì nông dân.
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) thì cho rằng với tất cả thông tin, tài liệu thì “đã thỏa mãn yếu tố cấu thành tội phạm đối với pháp nhân Thuận Phong” và mong vụ này sớm bị khởi tố để trả lời cho công luận.
Sau tranh luận của ĐB Vân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý các cơ quan liên quan mau chóng giải quyết vấn đề. Đầu giờ chiều 31-10, ĐB Nguyễn Quang Dũng (ĐB tỉnh Quảng Nam, công tác trong ngành kiểm sát) tranh luận lại với ĐB Vân.
Sau khi nhắc khái quát các quy định của pháp luật về dấu hiệu tội phạm, điều tra, khởi tố và giám định tư pháp, ĐB Dũng nói: Với các vụ việc bắt buộc phải giám định tư pháp, chỉ sau khi xác định được đó là thật hay giả mới đủ yếu tố xử lý về hình sự, để các cơ quan tố tụng định tội và luận hình. Từ đó, ĐB Dũng cho rằng vụ việc ở Thuận Phong đã đủ yếu tố xác định tội phạm là chưa xác đáng.
“Do đó, tôi cho rằng trong trường hợp này trả lời của Viện trưởng Lê Minh Trí rất xác đáng và tuân thủ các quy định của luật pháp” - ĐB Dũng kết luận.