Một bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ thông gồm chín tập do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Sử học Việt Nam biên soạn đã bị họ Trần Việt Nam phản ứng vì cho rằng có một nhân vật hư cấu, không hề có thật.
Cụ thể, trong tập 3, giai đoạn từ thế kỷ X đến năm 1593 do PGS-TS Nguyễn Minh Tường làm chủ biên, phần viết về nhà Trần (1225-1400) được cho là đã bịa đặt ra bố đẻ của Thái sư Trần Thủ Độ.
Đại tá Trần Nguyên Trung, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Hậu Cần (Bộ Quốc phòng), đại diện ban liên lạc họ Trần Việt Nam, cho hay trong phần nội dung viết về Trần Thủ Độ, sách của Viện Sử học viết: “Đến đời thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị và nguyên tổ của nhà Trần là Trần Lý...”. Theo ông Nguyên, ở đây xuất hiện một nhân vật lịch sử mới là Trần Hoằng Nghị, một người chưa hề được đề cập trong bất cứ tài liệu lịch sử nào liên quan đến triều đại nhà Trần.
Về vấn đề này, PGS-TS Đinh Quang Hải (Viện trưởng Viện Sử học) một trong những đơn vị biên soạn cuốn sách đã có báo cáo giải trình.
Bìa cuốn sách có nội dung gây tranh cãi.
Ông Hải cho biết việc tìm hiểu lai lịch của một nhân vật lịch sử sống cách đây 800 năm trong hoàn cảnh rất thiếu thốn về tài liệu, thư tịch là một điều vô cùng khó khăn. Nó đòi hỏi các nhà khoa học phải đặt ra nhiều giả thiết khác nhau. Trên cơ sở các nguồn tài liệu hiện có, kết hợp với những tư liệu khảo sát thực địa, phần đông các nhà khoa học đã đưa ra kết luận thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị. "Đây cũng là một giả thuyết khoa học, chưa phải là kết luận cuối cùng về vấn đề này”, ông Hải cho biết.
Cũng theo ông Hải, mục đích của mọi nghiên cứu khoa học là tiệm cận chân lý. Bởi khi công bố những kết luận của cuộc hội thảo, sử học không bao giờ khép lại mọi kết luận chỉ bằng một lời khẳng định. Nhận thức lịch sử là một quá trình.
Tác giả của cuốn sách, PGS-TS Nguyễn Minh Tường đã gửi thư ngỏ bày tỏ quan điểm cá nhân về vấn đề trên. Ông viết: “Nếu như ai đó có những tư liệu mới, chứng cứ đủ thuyết phục về người cha của Thái sư Trần Thủ Độ, tôi sẽ tiếp thu kết quả nghiên cứu mới đó và sẵn sàng từ bỏ nhận định nói trên của mình. Điều đó xảy ra khi sách Lịch sử phổ thông tập III được tái bản. Khi đó chúng tôi sẽ chỉnh sửa cho đúng với thực tế lịch sử Việt Nam vào đầu thế kỷ VIII”.
Từ đó, Viện Sử học kết luận trong thời gian tới, nếu có những tư liệu mới, chứng cứ mới đủ sức thuyết phục về vấn đề này, chủ biên cuốn sách sẵn sàng từ bỏ nhận định nói trên của mình, vì đó chính là nguyên tắc khách quan, trung thực của khoa học lịch sử.