Chiều 30-12, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk xác nhận UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan báo cáo hoạt động quản lý an toàn thực phẩm đối với sáu cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng chất cấm; công tác điều tra, truy xuất, triệu hồi; kết quả thực hiện đến thời điểm hiện nay.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị báo cáo trên địa bàn tỉnh đã cấp được bao nhiêu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh giá đỗ.
UBND tỉnh yêu cầu xác định giải pháp để quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh giá đỗ trong thời gian đến để kịp thời chấn chỉnh nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý an toàn thực phẩm tại tỉnh Đắk Lắk. Từ đó, các đơn vị báo cáo tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý trước ngày 2-1-2025.
Chỉ đạo trên của UBND tỉnh Đắk Lắk được đưa ra sau khi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh này phát hiện, báo chí thông tin sáu cơ sở sản xuất giá đỗ bằng chất cấm nguy hiểm với số lượng rất lớn, gần 3.000 tấn; trong đó có một cơ sở cung ứng cho cửa hàng Bách Hóa Xanh tại TP Buôn Ma Thuột với số lượng 350 – 400 kg giá đỗ mỗi ngày.
Nhiều cơ quan cùng quản lý
Theo phản ánh của người tiêu dùng và ghi nhận của cơ quan chức năng, sản phẩm giá đỗ bị phát hiện có ngâm tẩm hóa chất cấm bán tại siêu thị Bách Hóa Xanh, chợ đầu mối Tân Hòa ở TP Buôn Ma Thuột có ghi nhãn mác là giá đậu xanh Lâm Đạo do Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo, có trụ sở tại buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột sản xuất. Trên bao bì có in mã số, mã vạch.
Trao đổi với PLO, ông Đỗ Tuấn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản - thủy sản thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, xác nhận đơn vị này đã cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm giá đỗ của Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo.
Theo ông Hưng, tháng 4-2024, cơ sở sản xuất giá đỗ Lâm Đạo được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời hạn ba năm. Giấy chứng nhận cấp cho cơ sở Lâm Đạo đủ điều kiện sơ chế, đóng gói sản phẩm; không phải quá trình ngâm, ủ, kích nảy mầm nhằm sản xuất giá đỗ.
Sau cấp một năm cấp giấy chứng nhận, chi cục sẽ kiểm tra lại điều kiện sản xuất. Tuy nhiên, mỗi năm chi cục chỉ được kiểm tra một lần, không có thẩm quyền kiểm tra thường xuyên.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Khoa, Phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Đắk Lắk, nếu sản phẩm đạt tiêu chuẩn được lưu hành trên thị trường, thì có hai cơ quan cấp phép. Nếu nhãn hiệu được công nhận thì do Cục Sở hữu trí tuệ cấp và được bảo hộ; còn mã số, mã vạch do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (đều thuộc Bộ khoa học và công nghệ) cấp.
Ông Khoa cho rằng, khi nào có phát sinh khiếu kiện, xâm phạm, tranh chấp thì Sở Khoa học và công nghệ mới tiếp nhận, hướng dẫn xử lý.
Theo một cán bộ của Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Đắk Lắk, nếu nhìn bằng mắt thường sản phẩm giá đậu xanh của Lâm Đạo thì không thể xác định sản phẩm này đã được bảo hộ nhãn hiệu hay chưa. Điều này phải do Cục Sở hữu trí tuệ cung cấp bằng văn bản mới xác định được.
Còn lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế Đắk Lắk cho rằng công tác hậu kiểm, kiểm tra sản phẩm đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm ở các siêu thị hay không thuộc trách nhiệm của đơn vị cấp phép.
Trong khi đó, ông Đỗ Tuấn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, lại cho rằng đơn vị của ông chỉ cấp chứng nhận cho Công ty Lâm Đạo bán giá đỗ, nhưng chỉ trong lĩnh vực sơ chế, đóng gói (?!). Còn việc kiểm tra sản phẩm đã ra thị trường, nếu bán ở cửa hàng Bách Hóa Xanh phải do Sở Công Thương chủ trì, thành lập đoàn mới thanh tra, kiểm tra được; còn Thanh tra Sở NN&PTNT chỉ được kiểm tra ở chợ đầu mối Tân Hòa.
PV đã liên lạc lãnh đạo Sở Công Thương Đắk Lắk để đăng ký làm việc, tìm hiểu thêm sựu việc nhưng chưa có phản hồi.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, nói: "Đối với việc kiểm tra hàng ngày, cơ sở đó sản xuất như thế nào thì không có cơ chế để giám sát, theo dõi. Thực tế, việc giám sát hàng ngày đối với từng cơ sở sản xuất sẽ rất khó khăn và gần như không một cơ quan thẩm quyền nào triển khai được”.
Sau khi công an phát hiện, báo chí thông tin vụ việc, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk nói nếu phát hiện sai ở quy trình nào thì xem xét, xử lý trách nhiệm cơ quan, sở đó.
Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng nói gì?
Sau khi báo chí phản ánh một trong những cơ sở bị công an phát hiện sản xuất giá đỗ bằng hóa chất cấm nguy hiểm đã cung ứng cho cửa hàng Bách Hóa Xanh ở TP Buôn Ma Thuột số lượng lớn mỗi ngày, đại diện Bách Hóa Xanh nói sẽ hoàn tiền cho những người đã mua sản phẩm này.
Theo đó để nhận lại tiền, khách hàng cần cung cấp hóa đơn giấy hoặc hóa đơn điện tử từ phần mềm tích điểm của Bách Hóa Xanh có ghi nhận mua giá đỗ của nhà cung cấp Lâm Đạo ở khu vực Đắk Lắk.
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk đã, đang và sẽ làm gì để thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi họ mua phải sản phẩm sản xuất bằng hóa chất cấm như trong trường hợp này? PV nêu câu hỏi này với bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk.
Bà Lan đáp: “Cái này có đưa lên hội đâu mà chỉ đưa lên cơ quan pháp luật làm. Chỉ khi nào người ta kiện lên thì hội mới xử lý. Trách nhiệm của hội là công tác tuyên truyền thôi!”.
Dùng chất cấm nhưng bao bì ghi “Vì sức khỏe của mọi người”
Như PLO đã thông tin, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn người gồm Lâm Văn Đạo, người đại diện pháp luật của Công ty Lâm Đạo; Vũ Duy Tư, Nguyễn Văn Quynh, Nguyễn Văn Hảo (cùng ngụ TP Buôn Ma Thuột) để điều tra tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Kết quả điều tra ban đầu của công an xác định những người trên đã sử dụng hoạt chất 6-Benzylaminopurine để sản xuất giá đỗ. Mục đích là làm cho rễ cây giá ngắn lại để tập trung dưỡng chất phát triển cho thân cây giá to, mập, tăng trọng lượng, có hình thức đẹp.
Hoạt chất 6-Benzylaminopurine là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin); nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người; hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy cùng các dị tật bẩm sinh; ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong.
Kết quả điều tra xác định trong năm 2024, nhóm người trên đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6- Benzylaminopurine, trung bình mỗi ngày 8- 10 tấn.
Riêng Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo đã ký hợp đồng bán cho Bách Hóa Xanh 350 – 400 kg giá đỗ mỗi ngày. Trên bao bì gói sản phẩm giá đỗ sản xuất bằng hóa chất cấm này có dán nhãn mác ghi các câu “Vì sức khỏe của mọi người”, “không hóa chất”, “không chất kích thích”, “không chất bảo quản”... để lừa dối người tiêu dùng.