Vụ tai nạn giao thông ở Ninh Thuận: Trước sau bất nhất

(PLO)- Ngoài sự mất mát và nỗi đau không gì bù đắp được của cha mẹ bé, còn cả sự mất niềm tin khi dư luận cứ phải nghe trả lời với nội dung trước sau bất nhất từ cơ quan chức năng.

Vụ tai nạn giao thông ở Ninh Thuận chưa có kết quả điều tra cuối cùng nhưng mất mát thì thấy rõ. Ngoài sự mất mát và nỗi đau không gì bù đắp được của cha mẹ bé, còn cả sự mất niềm tin khi dư luận cứ phải nghe trả lời với nội dung trước sau bất nhất từ cơ quan chức năng.

1. Bất nhất về đánh giá nồng độ cồn

Hôm 1-8, trả lời báo chí, lãnh đạo Sở Y tế (căn cứ vào báo cáo của BV tỉnh và chức năng của mình) cho biết nồng độ cồn trong máu nạn nhân là bình thường, dưới ngưỡng quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, vị này không nói dù dưới ngưỡng nào đó của Bộ Y tế nhưng lại vượt xa so với quy định của Nghị định 100/2019 về xử lý vi phạm hành chính khi tham gia giao thông đường bộ.

Ông Hồ Hoàng Hùng, cha của nạn nhân tại buổi họp báo. Ảnh: HH

Đến ngày 2-8, buổi sáng, lãnh đạo BV thừa nhận kết quả trên là không đáng tin cậy và người có lỗi là kỹ thuật viên (KTV) xét nghiệm khi cung cấp kết quả không chính xác, đáng lẽ phải xin ý kiến cấp trên. Dù vậy, vị này không giải thích liệu KTV có quyền cung cấp kết quả xét nghiệm (trong trường hợp này là tài liệu pháp y theo trưng cầu của cơ quan điều tra) hay không. Thông thường, một bản xét nghiệm như thế, ngoài chữ ký của KTV còn phải có trưởng phòng hành chính ký thay giám đốc, chí ít cũng phải có dấu treo của BV.

Chiều cùng ngày, tại cuộc họp báo do Công an tỉnh và Sở TT&TT tổ chức với sự tham gia của Ban Tuyên giáo, Sở Y tế, BV tỉnh, thông cáo báo chí cho biết: Khi thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, KTV đã không thực hiện đúng theo quy định, không thực hiện giai đoạn chạy mẫu kiểm tra trước khi chạy mẫu huyết thanh của bệnh nhân.

Cạnh đó, khi nhận thấy kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của bệnh nhân bất thường, KTV đã không thực hiện xem xét, ký trả kết quả xét nghiệm theo đúng quy định. Do đó, kết quả xét nghiệm nồng độ cồn của bệnh nhân Hồ Hoàng Anh chưa được kiểm chứng, không đủ độ tin cậy, không phù hợp với tình trạng của bệnh nhân.

2. Nghi vấn từ hiện trường và mạng xã hội

Thứ nhất: Ngay khi vụ việc xảy ra, người thân của nạn nhân cho biết họ tiếp cận hiện trường nhưng không còn dấu vết. Lý giải điều này, có nguồn tin cho biết do tài xế dùng chiếc xe của mình đưa nạn nhân đi bệnh viện nên không giữ được hiện trường.

Thứ hai: Rất may, trên mạng xã hội (MXH) xuất hiện một clip được người nhà nạn nhân thu thập. Trong đó thể hiện rõ việc ngay sau cú va chạm, nạn nhân văng ra và đập vào trụ đèn, chiếc Ford Everest quẹo phải và không hề bật đèn xi-nhan. Trên xe, tài xế bước xuống vừa đi vừa nghe điện thoại. Chi tiết này có thể dẫn tới một suy đoán logic là tài xế vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại, không quan sát gương chiếu hậu khi giảm tốc và rẽ phải đồng thời không bật đèn báo hiệu rẽ phải.

Thứ ba: Ngay sau vụ tai nạn, trên MXH xuất hiện một thông tin không rõ nguồn gốc cho rằng người điều khiển ô tô trong vụ tai nạn là người khác. Điều này khiến các diễn đàn địa phương ở Ninh Thuận xôn xao và lan đi rất nhanh rằng đã có một âm mưu trốn tránh.

Như vậy, giữa khi có quá nhiều nghi vấn về hiện trường; các yếu tố lỗi; tin giả trên MXH về việc người điều khiển xe là một người khác... thì cơ quan chức năng đã không xem đây như những dư luận cần quan tâm giải thích kịp thời. Phải mấy ngày sau, khi báo chí vào cuộc, thông tin mới được cung cấp nhỏ giọt và trước sau bất nhất. Điều đó dẫn đến những nghi ngờ của dư luận càng lúc càng lớn, nó gây ra một cuộc khủng hoảng truyền thông trên báo chí và MXH khiến việc giải thích càng khó thuyết phục.

Một khi thông tin không được minh bạch và kịp thời, áp lực sẽ dồn lên tất cả. Gia đình nạn nhân liên tục phải nhắc lại nỗi đau của vết thương chưa khép miệng; cơ quan tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong vụ án này sẽ tiếp tục phải chịu áp lực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới