Như báo Pháp Luật TP.HCMđưa tin, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ hơn 5,4 tỉ đồng để giải quyết chế độ chính sách đối với người lao động khi thực hiện cổ phần tại ba doanh nghiệp (DN) thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1). Tuy nhiên, ít ai biết rằng trước khi xin hỗ trợ các công ty này đã âm vốn hàng trăm tỉ đồng .
Theo Bộ GTVT, quá trình thực hiện cổ phần hóa các đơn vị thành viên CIENCO1 gồm Công ty Đường 126 (nay là Công ty Cổ phần 16), Công ty Xây dựng công trình 136 (nay là Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 15) và Công ty Đường bộ 230 (nay là Công ty Cổ phần Đường bộ 230) đã âm vốn chủ sở hữu.
Liên danh CIENCO1 trúng thầu dự án xây dựng cầu Tình Húc (Tuyên Quang). Ảnh: Internet
Cụ thể, Công ty Đường 126 đến thời điểm cổ phần (năm 2011), vốn nhà nước tại DN này đã âm gần 77 tỉ đồng. Đối với Công ty Xây dựng công trình 136, thời điểm cổ phần (năm 2011) cũng âm trên 54 tỉ đồng. Tương tự, Công ty Đường bộ 230 vào thời điểm cổ phần (năm 2012) cũng âm gần 50 tỉ đồng.
Để giải quyết vấn đề trên, cả ba công ty đều phải cơ cấu tài chính thông qua mua bán nợ. Bên cạnh đó, cơ cấu vốn góp của công ty cổ phần chủ yếu là chuyển nợ thành vốn góp, do đó không có tiềm lực về tài chính. Vì vậy, phải nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội nhiều, công việc không có... Nên Bộ GTVT đã có văn bản xin Thủ tướng hỗ trợ kinh phí để giải quyết chế độ chính sách đối với người lao động.
Để xảy ra tình trạng trên, Bộ GTVT cho biết CIENCO1 đã họp và xác định trách nhiệm thuộc về Ban chỉ đạo cổ phần hóa tổng công ty cũng như Ban chỉ đạo cổ phần hóa tại ba đơn vị nêu trên. Các đơn vị này đã nghiêm túc rút kinh nghiệm đồng thời kiểm điểm các tập thể, cá nhân có liên quan. Ngoài ra, cam kết kịp thời giải quyết chế độ cho lao động dôi dư sau khi Chính phủ hỗ trợ.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép hỗ trợ đơn vị kinh phí từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN Trung ương để chi trả cho 132 lao động dôi dư tại ba công ty nêu trên với tổng số tiền là hơn 5,4 tỉ đồng. Mục đích chi trả chế độ, chính sách cho lao động dôi dư khi cổ phần hóa.
Liên quan đến ba công ty này, Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản để xử lý vụ việc. Ngày 22-2-2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có tiếp văn bản yêu cầu Bộ GTVT giải quyết khó khăn trên, đồng thời rút kinh nghiệm trong quá trình cổ phần hóa các DN do Bộ quản lý, không đẩy trách nhiệm của các DN cho Nhà nước.