Ngày 4-5, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng đối với ông Hoàng Văn Toàn (nguyên chủ tịch Ngân hàng Đại Tín - Trust Bank), Trần Sơn Nam (nguyên tổng giám đốc) và đồng phạm.
HĐXX đồng tình với cáo buộc của VKS và đã tuyên phạt hai bị cáo đầu vụ mức án cao nhất theo đề nghị. Cụ thể toà tuyên phạt bị cáo Toàn 7 năm tù, Nam 6 năm tù, còn lại mức án ba năm án treo đến ba năm tù.
Các bị cáo nghe toà tuyên án
Theo cáo buộc, VKS khẳng định đủ cơ sở kết luận: trong quá trình xem xét, phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty Đại Hoàng Phương và Thịnh Quốc vay vốn (hai công ty “ma” do Phạm Công Danh lập ra), ông Toàn, ông Nam và các thành viên trong HĐTD của ngân hàng Đại Tín đã không thực hiện đúng các quy định về cho vay.
Quá trình điều tra và xét hỏi tại toà, các bị cáo khai dựa vào chứng thư thẩm định giá 1063 của Công ty cổ phần tư vấn, dịch vụ về tài sản, bất động sản DATC - Bộ tài chính đối với lô đất 5.104 m2 tại sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) nên cho vay.
Chủ tọa đang đọc bản án
Tuy nhiên, việc áp dụng giá của chứng thư này để phê duyệt cho vay là không có căn cứ vì chứng thư này được tính toán dựa trên chi tiêu quy hoạch xây dựng giả định của khu đất, là được quy hoạch xây dựng công trình 60 tầng làm trung tâm thương mại dịch vụ. Chứng thư thẩm định giá cũng ghi rõ điều kiện ràng buộc mức giá trên là theo đúng thông số chỉ tiêu quy hoạch giả định và kết quả này được sử dụng làm cơ sở tham khảo.
Ngoài ra, tờ thẩm định giá tài sản thế chấp của chi nhánh Sài Gòn cũng đã đề xuất phải yêu cầu khách hàng cung cấp bản gốc các giấy tờ pháp lý liên quan đến lô đất trên và cảnh báo có rủi ro về tài sản đảm bảo nhưng các bị cáo vẫn bỏ qua, vẫn sử dụng chứng thư thẩm định giá này làm căn cứ phê duyệt cấp tín dụng cho hai công ty trên vay 650 tỉ đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín (sau này là VNCB) 471 tỉ.
Thực tế, khu đất sân vận động Chi Lăng chưa giải tỏa xong, chưa được cấp chứng nhận đầu tư dự án, chưa có quy hoạch chi tiết cũng không có bất kỳ hoạt động đầu tư nào... nên không thể làm căn cứ phê duyệt cấp tín dụng.
Hành vi của các bị cáo đã vi phạm Luật tổ chức tín dụng, vi phạm Nghị định của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, vi phạm quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Xảy ra thiệt hại nêu trên cho Ngân hàng Đại Tín, trách nhiệm chính thuộc về bị cáo Toàn và Nam, các bị cáo còn lại là đồng phạm với vai trò, trách nhiệm như nhau.
Bị cáo Hoàng Văn Toàn
Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo nói rằng, cần làm rõ và thu hồi số tiền 650 tỉ đồng. Vì sau khi vay, Tập đoàn Thiên Thanh chi lãi ngoài cho các khoản vay. Cụ thể là trả cho nhóm ông Trần Quí Thanh 500 tỉ đồng; trả nhóm bà Hứa Thị Phấn 135 tỉ đồng; 15 tỷ đồng còn lại dùng để chăm sóc khách hàng của Tập đoàn Thiên Thanh.
Hai bị án Phạm Công Danh và Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) cũng mong HĐXX phiên tòa này thu hồi tiền từ ông Thanh và bà Phấn để khắc phục hậu quả vì số tiền này là vật chứng vụ án.
Đối đáp, viện cho là phiên tòa này chỉ xử lý trách nhiệm hình sự các bị cáo, về phần dân sự không xem xét. Trước đó trong phiên tòa xét xử ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB), bản án tuyên ngày 9-9-2016 đã tuyên ông Danh bồi hoàn toàn bộ số tiền thiệt hại.
Do giới hạn xét xử, cũng như phần thiệt hại vụ án đang được thi hành án, VKS không xem xét về yêu cầu thu hồi dòng tiền...