Chiều 30-7, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) cùng các đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi.
Theo đó, các luật sư, đại diện VKS cùng HĐXX tập trung làm rõ hai tình tiết quan trọng trong vụ án, gồm việc hợp thức trái pháp luật hơn 20.000 lít xăng dầu không đảm bảo chất lượng và việc sử dụng bằng giả của Út "trọc”.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ, tức Út "trọc", tại tòa ngày 30-7. Ảnh TTXVN
Lời khai các bị cáo mâu thuẫn
Trả lời trước HĐXX, bị cáo Trần Xuân Sơn (cựu giám đốc Chi nhánh Bình Dương, Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) khai rằng công ty này chỉ kinh doanh xăng dầu chứ không làm nhiệm vụ kinh tế kết hợp quốc phòng. Thời điểm ký hợp đồng gửi xăng giả, bị cáo chỉ mong muốn mở lại niêm phong để cửa hàng tiếp tục hoạt động chứ không biết số tiền bị phạt lớn như thế (hơn 1,4 tỉ đồng - PV), chỉ sau khi vụ án được khởi tố thì mới biết. Sơn cũng cho hay công ty đã pha chế lại số xăng dầu trên cho đủ chất lượng để đưa ra thị trường bán hết, tiền thu về chi nhánh.
Đối với hợp đồng gửi xăng giả giữa công ty với Sư đoàn 367 (Quân chủng Phòng không-Không quân), Sơn khẳng định ông Bùi Văn Tiệp (cựu sư đoàn trưởng) là người ký trước, khi bị cáo nhận hợp đồng từ Trần Văn Lâm (cựu TGĐ điều hành Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) thì đã có chữ ký của ông Tiệp.
Bất ngờ xảy ra ngay sau đó, bị cáo Bùi Văn Tiệp lại khẳng định chắc chắn rằng hợp đồng trên do Sơn ký trước, do đó mới biết Sơn là giám đốc chi nhánh Bình Dương. Hợp đồng này được đánh máy sẵn, số tiền ghi bằng bút, chữ ký màu xanh rất đơn giản, không phải đánh máy toàn bộ.
Cựu sư đoàn trưởng Sư đoàn 367 nói khi đặt tay ký vào hợp đồng giả cũng có đắn đo. Nhưng vì Lâm nói kho xăng dầu trên là của quân đội, để lâu nên chất lượng kém; bản thân hơn 40 năm công tác trong quân đội, từng gặp trường hợp tương tự nên nghĩ điều này có lý. Hơn thế, Lâm còn nói bên Chi cục Quản lý thị trường hướng dẫn làm như vậy; Đinh Ngọc Hệ lại là người của Tổng Công ty Thái Sơn, có quen biết nhau nên bị cáo muốn giúp đỡ để công ty không bị phạt, “đỡ xấu hổ danh tiếng doanh nghiệp quân đội”.
Được triệu tập tới tòa, ông Cung Đình Minh (trưởng phòng kế hoạch đầu tư, Tổng Công ty Thái Sơn) cho hay Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Thái Sơn, Bộ Quốc phòng và Tổng Công ty Thái Sơn là hai pháp nhân độc lập. Ban đầu có quan hệ công ty mẹ con, sau khi rút vốn, mối quan hệ là hai công ty liên kết. Dù được ủy quyền đại diện vốn tại đây nhưng ông Minh khẳng định hoàn toàn không biết việc kinh doanh xăng dầu kém chất lượng xảy ra tại Bình Dương.
Đối chất tại tòa, bị cáo Đinh Ngọc Hệ khẳng định lời khai của ông Minh là chưa đủ. Ông Minh là người chủ trì tại công ty cổ phần (đại diện 30% vốn), trong các tờ trình bị cáo đều để cho ông Minh ký trước.
Đối với việc kinh doanh xăng dầu kém chất lượng, bản thân bị cáo không biết, do đó tổng công ty cũng không biết. Khi đổi tên công ty, bị cáo có báo cáo tổng công ty bằng văn bản (ngược với lời khai của bị cáo Phùng Danh Thắm rằng tổng công ty không nhận được báo cáo - PV).
Đoàn xe chở Út "trọc" cùng đồng phạm rời tòa. Ảnh: TUYẾN PHAN
Dùng bằng giả, sai là do các cơ quan (!)
Cũng trong buổi chiều nay, đại diện VKS tiếp tục quay lại vấn đề sử dụng bằng giả của bị cáo Đinh Ngọc Hệ. Trả lời câu hỏi có đưa tấm bằng giả tại ĐH Kinh tế quốc dân vào hồ sơ không, bị cáo đáp “Không”.
. Bị cáo có công nhân bằng này là giả hay thật?
+ Phải đến năm 2005 bị cáo mới biết là bằng giả nên không sử dụng nữa từ thời điểm đó.
. Vậy tại sao trong hồ sơ bị cáo có những bằng tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân được chứng thực vào các năm 2007, 2010 và 2012, cả trong lý lịch đảng viên, phiếu đảng viên?
Đại diện VKS truy gắt, đồng thời công bố các tài liệu như đã nói, trong đó tại lý lịch đảng viên của Đinh Ngọc Hệ có nội dung tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân, gồm lời cam đoan chịu trách nhiệm và chữ ký của chính bị cáo.
“Bị cáo nói không sử dụng từ năm 2005 nhưng trong tất cả hồ sơ của năm 2007, 2010, 2012 và lý lịch đảng viên, phiếu đảng viên đều có bằng tốt nghiệp chứng thực, đề nghị HĐXX xem xét” - đại diện VKS nói.
Ngay sau đó, Đinh Ngọc Hệ đề nghị được trả lời bổ sung, HĐXX nhắc nhở bị cáo nói ngắn gọn.
Bị cáo khai rằng từ năm 2005 đã không sử dụng bằng giả nữa; bên Công ty ADCC đã thẩm tra, tiếp đó năm 2007 là thanh tra quân chủng. Các quyết định thăng quân hàm của bị cáo từ năm 2010, 2011 và 2012 đều “lúc thế này lúc như thế kia, sai tất cả đều do các cơ quan chức năng chứ không phải bị cáo kê khai, bị cáo chỉ nhờ phòng chính trị kê khai cho bị cáo ký, cái đó không thể lỗi của bị cáo được”.
Trả lời câu hỏi về việc nếu không có tấm bằng đại học trên thì liệu bị cáo có được nâng lương, ngạch, quân hàm cao cấp không, Đinh Ngọc Hệ nói rằng nếu không có sơ suất của các cơ quan chức năng thì năm 2014 bị cáo đã có bằng đó rồi. Tại thời điểm 2010, 2011 và 2012, bị cáo nghĩ rằng vẫn được, đến khi Ủy ban Kiểm tra vào thì bị cáo mới biết cơ quan chức năng kê sai chứ không phải do bị cáo cố tình kê sai.
HĐXX cho rằng bản thân bị cáo là một cán bộ sĩ quan, khi đã ký tên và xác nhận trong lý lịch đảng viên thì phải chịu trách nhiệm với lời khai đó, kể cả nhờ cán bộ chính trị viết. Đối đáp lại, Út “trọc” nói đó là “sự vô ý”.
HĐXX cũng khẳng định việc làm và xác nhận của bị cáo trong lý lịch chính là câu trả lời cho trách nhiệm của bị cáo trong việc sử dụng bằng giả. “Sự thật như vậy, mong quý tòa xem xét!” - Đinh Ngọc Hệ trả lời ngắn gọn.
Tòa tạm nghỉ, tiếp tục làm việc vào sáng mai.