Vụ Vạn Thịnh Phát: 3 người giúp Trương Mỹ Lan 'giải quỹ' tiền rút từ SCB khai gì?

(PLO)-  Hồ Bửu Phương, Nguyễn Phương Anh và Đặng Phương Hoài Tâm là ba cá nhân trong tập đoàn Vạn Thịnh Phát giúp sử dụng nhiều phương thức để giải quỹ tiền rút ra từ SCB nhằm cắt đứt dòng tiền.

Sáng 7-3, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.

Kết thúc buổi sáng, HĐXX đã xét hỏi xong 10 bị cáo (chưa xét hỏi bà Lan). Tất cả các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội.

Lập công ty ma để "giải quỹ" tiền rút từ SCB

Sau khi xét hỏi các cựu cán bộ ngân hàng SCB, HĐXX tiếp tục xét hỏi đối với nhóm bị cáo Hồ Bửu Phương, Nguyễn Phương Anh và Đặng Phương Hoài Tâm bị truy tố về tội tham ô tài sản. Ba bị cáo này bị cáo buộc giúp sức cho Trương Mỹ Lan “giải quỹ” số tiền sau khi rút ra từ ngân hàng SCB để cắt đứt dòng tiền.

Theo đó, Hồ Bửu Phương thừa nhận hành vi phạm tội. Phương làm phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn VTP và Công ty Đầu tư Vạn Thịnh Phát được Trương Mỹ Lan chỉ đạo, giao nhiệm vụ phối hợp với Văn phòng HĐQT Tập đoàn VTP, Nguyễn Phương Anh và các cá nhân liên quan lên phương án “giải quỹ” đối với số tiền đã được Ngân hàng SCB giải ngân vào tài khoản các Công ty thụ hưởng tiền theo phương án vay khống để Trương Mỹ Lan sử dụng cho các mục đích khác nhau.

Trong buổi sáng HĐXX đã xét hỏi xong 10 bị cáo liên quan đến tội tham ô tài sản. Ảnh: HOÀNG GIANG

Để “giải quỹ”, Phương cùng các bị cáo khác lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống. Trong đó, các công ty “ma” được thụ hưởng tiền giải ngân hứa mua cổ phần của các cá nhân (được thuê đứng tên sở hữu cổ phần của Công ty “ma” khác).

Sau khi ký hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần và chuyển tiền, các cá nhân sẽ đến ngân hàng ký chứng từ rút tiền; công ty thụ hưởng hứa mua cổ phần chỉ hạch toán vào mục “các khoản phải thu”, không làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng cổ phần nên không phát sinh thuế, tránh việc bị Cơ quan Thuế, Cơ quan Thanh tra kiểm tra phát hiện sai phạm.

Nguyễn Phương Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula, thừa nhận hành vi phạm tội. Làm việc tại Tập đoàn VTP từ năm 2009, từ năm 2018, Nguyễn Phương Anh được Trương Mỹ Lan giao nhiệm vụ quản lý, điều hành các nhân viên trong Công ty Sài Gòn Peninsula trong việc tìm người đứng tên đại diện pháp luật các Công ty “ma”, đứng tên cổ phần, đứng tên vay vốn, ký chứng từ rút, nộp tiền để tạo dựng hồ sơ vay vốn khống và rút tiền giải ngân tại Ngân hàng SCB.

Bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm, Trưởng Văn phòng HĐQT Tập đoàn VTP, cho biết mình không tham gia vào các phương án giải quỹ mà chỉ thực hiện nhiệm vụ theo dõi tài sản cho bà Lan.

Bị cáo Tâm phụ trách, quản lý, điều hành mọi hoạt động của Văn phòng HĐQT; theo dõi tổng thể thông tin các công ty “ma”, cá nhân đứng tên khoản vay, cổ đông, việc hứa chuyển nhượng cổ phần và tài sản của Trương Mỹ Lan và Tập đoàn. Bị cáo này là đầu mối phối hợp với Nguyễn Phương Anh, các bộ phận khác thành lập công ty, thuê cá nhân đứng tên để sử dụng cho các hoạt động vay vốn, rút tiền, che giấu dòng tiền của Trương Mỹ Lan.

Bị cáo Tâm cũng cho biết, sau khi đọc cáo trạng thì mới biết hành vi của mình vô tình giúp sức cho bị cáo Lan.

Người nhận 2.600 tỉ của Trương Mỹ Lan khai gì?

Đến lượt mình, bị cáo Dương Tấn Trước, Tổng giám đốc Công ty Tường Việt, thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo Trước khai quen biết Trương Mỹ Lan từ cuối năm 2020 và thỏa thuận với Trương Mỹ Lan chuyển nhượng dự án Thanh Yến với giá 2.500 tỉ đồng nhưng Trước không phải thanh toán tiền mà chỉ cần lập hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng SCB, số tiền nhận nợ sẽ là 3.500 tỉ đồng. Trong đó: 2.500 tỉ đồng là tiền nhận chuyển nhượng Dự án Thanh Yến; 1.000 tỉ đồng cho Trương Mỹ Lan mượn sử dụng và bà Lan có trách nhiệm trả Ngân hàng SCB.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, tại toà bị cáo Trước cho biết Trương Mỹ Lan vẫn chưa trả mình số tiền 1.000 tỉ đồng, trong khi về mặt hồ sơ tín dụng thì các pháp nhân của mình phải đứng ra trả ngân hàng khoản vay này.

Bị cáo Trước cũng cho biết do bị cáo Trương Mỹ Lan là người có uy tín nên muốn hợp tác làm ăn chung, từ đó mới chấp nhận dùng các công ty của mình đứng ra vay tiền cho bà Lan.

Được sự giúp đỡ từ Trương Mỹ Lan, vào tháng 5-2021, ngân hàng SCB ký thỏa thuận cho vay với Công ty Cổ phần Thuận Tiến và Công ty Khánh Minh số tiền vay giải ngân lần lượt là 1.700 và 1.800 tỷ đồng. Mục đích vay đều là bổ sung vốn nhận chuyển nhượng phần vốn góp trong Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Sông Hàn. Sau khi giải ngân tiền được chuyển lòng vòng vào tài khoản của nhiều cá nhân, Công ty thuộc nhóm Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau của Trương Mỹ Lan.

Đến ngày 17-10-2022, 15 khoản vay đứng tên các công ty của bị cáo Trước có tổng dư nợ là 5.695 tỉ đồng. Trong khi tổng giá trị tài sản đảm bảo hiện tại của các khoản vay, theo kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân và đánh giá đủ điều kiện pháp lý của SCB được xác định chỉ là 337 tỉ đồng.

Cáo trạng cũng xác định, Dương Tấn Trước còn nhận của Trương Mỹ Lan số tiền 2.697 tỉ đồng, trong số này Trước đã đưa lại Trương Mỹ Lan 492,5 tỉ đồng. Số tiền còn lại 2.204 tỉ đồng Dương Tấn Trước xin tự nguyện trả lại toàn bộ để khắc phục hậu quả của vụ án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới