Ngày 15-3, sau chín ngày làm việc, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan đã kết thúc phần xét hỏi.
Chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận. Theo kế hoạch, đại diện VKS sẽ phát biểu quan điểm luận tội và đề nghị mức án vào sáng thứ Ba (19-3). Nếu có vấn đề cần trình bày thêm thì bị cáo, những người liên quan có thể gửi văn bản để HĐXX xem xét theo quy định.
Xin giữ lại biệt thự cổ 35 triệu USD để trùng tu
Liên quan đến căn biệt thự cổ tại 110-112 Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM, trả lời HĐXX, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết năm 2015, thông qua Công ty Cổ phần Minerv, gia đình bà đã mua với giá khoảng 700 tỉ đồng (35 triệu USD). Đến năm 2019, căn biệt thự này được trùng tu; sau khi bà bị khởi tố, bắt tạm giam thì ngưng thi công.
“Xin HĐXX không kê biên tài sản này vì đây là biệt thự cổ cần trùng tu để bảo tồn; đồng thời việc tu sửa đã qua năm năm nhưng còn dang dở. Xin HĐXX xem xét để gia đình bị cáo giữ lại căn biệt thự này” - bị cáo Lan nói.
HĐXX cho biết tuy dự án Capital Place Liễu Giai (quận Ba Đình, TP Hà Nội) đang được con gái bị cáo Trương Mỹ Lan rao bán 1 tỉ USD nhưng đối tác chỉ trả giá khoảng 360 triệu USD.
Đối với dự án Capital Place Liễu Giai (quận Ba Đình, TP Hà Nội), bị cáo Lan cho biết đang thế chấp dự án này để vay 230 triệu USD của các ngân hàng nước ngoài; sau khi bán thành công và trừ đi các khoản chi phí, trả nợ ngân hàng thì phần còn lại sẽ nộp để khắc phục hậu quả của vụ án. Tuy nhiên, HĐXX cho biết tuy dự án này con gái bị cáo đang rao bán 1 tỉ USD nhưng đối tác chỉ trả giá khoảng 360 triệu USD.
Về ba dự án do Công ty Thành Hiếu (thuộc Tập đoàn Công ty Phương Trang) đang vận hành, đại diện Công ty Phương Trang cho biết ba dự án có giá khoảng 3.500 tỉ đồng nhưng không liên quan đến Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Thực tế là qua giới thiệu của bà Lan, Công ty Phương Trang đã bán các dự án cho ba cá nhân.
Đề nghị phương án khắc phục hậu quả
Liên quan đến các tài sản của Công ty Tuần Châu (Quảng Ninh), bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng bà Phạm Thị Lan Phương là người phụ trách dự án làm việc với Công ty Tuần Châu. Nguồn tiền đưa cho ông Tuyển Tuần Châu trong suốt nhiều năm, không có giấy tờ; hiện bà Phương ở nước ngoài nên tài liệu cũng không bàn giao lại. Những vấn đề tại dự án này liên quan đến mình thì bà Lan nói không nhớ rõ chi tiết.
Đại diện ủy quyền cho Công ty Gia Tuệ, Lâm Đồng (tư cách tố tụng là người liên quan) trình bày trước đây có giao kết chuyển nhượng hai dự án ở hồ Tuyền Lâm cho một công ty của Vạn Thịnh Phát với giá 960 tỉ đồng. Thời điểm đó, phía công ty của Vạn Thịnh Phát mới trả 672 tỉ đồng. Nay Công ty Gia Tuệ đề nghị hủy hợp đồng và hoàn trả 672 tỉ đồng, tương đương với sáu bất động sản đã được kê biên. Bị cáo Trương Mỹ Lan đã đồng ý với đề nghị này.
Con gái bị cáo Lan có văn bản gửi tòa đề nghị bán cổ phần trong một số tài sản để khắc phục hậu quả vụ án. Đó là: Bán cổ phần trong khách sạn Daewoo Hà Nội (gia đình bị cáo Lan có 73% cổ phần) và bán cổ phần trong một công ty bảo hiểm (có đối tác mua lại cổ phần của bà Lan với giá 40 triệu USD, tương đương 920 tỉ đồng).
Đối với tập đoàn nhà máy sản xuất vaccine mà bị cáo Lan đã đầu tư 315 tỉ đồng, trong văn bản gửi tòa, con gái bị cáo Lan đề nghị chuyển nhượng toàn bộ cho một đối tác với giá 315 tỉ đồng.
SCB đề nghị được toàn quyền xử lý tài sản bảo đảm
Đại diện SCB (bị hại) cho rằng tổng số tiền thiệt hại thực tế (tính đến ngày 17-10-2022) là 677.286 tỉ đồng, trong đó tiền gốc là 482.449 tỉ đồng, tiền lãi/phí là 277.830 tỉ đồng.
Ngoài ra, SCB còn đề nghị tính thêm số tiền lãi/phí phát sinh tạm tính kể từ ngày 18-10-2022 đến 5-3-2024 là 84.515 tỉ đồng. Số tiền này tiếp tục phát sinh cho đến khi SCB thực tế thu hồi được nợ.
Đối với 1.116 tài sản bảo đảm; những tài sản đã được cơ quan điều tra kê biên, phong tỏa, thu giữ; 240 tài sản bị hoán đổi và xuất ra khỏi hệ thống quản lý của SCB…, SCB đề nghị thu hồi và giao lại cho SCB quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý để khắc phục thiệt hại.
Theo cáo trạng, bị cáo Lan và đồng phạm đã gây thiệt hại cho SCB khoảng 498.000 tỉ đồng. Phiên tòa được xét xử từ ngày 5-3 và dự kiến kết thúc vào ngày 29-4.