Vụ 'viêm ruột thừa, cắt buồng trứng': Rất dễ chẩn đoán nhầm!

(PLO)-  Chẩn đoán bệnh lý viêm ruột thừa vừa dễ cũng vừa khó, dễ nếu ở thể điển hình và khó ở thể không điển hình, khi ruột thừa ở vị trí bất thường
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trả lời PLO ngày 18-7, liên quan vụ việc chẩn đoán đau ruột thừa nhưng cắt buồng trứng, bác sĩ (BS) Trịnh Văn Thảo, Chủ nhiệm khoa Ngoại bụng (Bệnh viện Quân y 175), cho biết đối với chẩn đoán bệnh lý đau ruột thừa vừa dễ cũng vừa khó.

“Nhiều trường hợp rất dễ nếu ở thể điển hình. Cũng không ít trường hợp chẩn đoán khó vì ở thể không điển hình, khi ruột thừa ở vị trí bất thường” - BS chia sẻ.

Theo BS Thảo, có nhiều bệnh lý hơi giống với đau ruột thừa như viêm mủ vòi trứng, viêm túi thừa manh tràng, viêm bờm mỡ manh tràng, viêm hồi tràng… vì đều nằm ở vị trí sát ruột thừa.

“Bệnh nhân nữ có vòi trứng bên phải nằm rất gần với ruột thừa nếu ruột thừa của họ nằm hơi sâu. Bệnh lý buồng trứng, nhất là viêm mủ vòi trứng cũng có triệu chứng đau giống với đau ruột thừa đến 70-80%. Nếu khai thác bệnh sử không kĩ sẽ dễ chẩn đoán nhầm giữa hai bệnh lý này” - BS Thảo nhận định.

Có nhiều bệnh lý hơi giống với đau ruột thừa như viêm mủ vòi trứng, viêm túi thừa manh tràng, viêm hồi tràng. Ảnh: Internet

Có nhiều bệnh lý hơi giống với đau ruột thừa như viêm mủ vòi trứng, viêm túi thừa manh tràng, viêm hồi tràng. Ảnh: Internet

Theo đó, khi kết quả siêu âm không phát hiện được, BS phẫu thuật dễ đưa ra quyết định mổ ruột thừa. Những bệnh lý này nếu xảy ra nhiễm trùng, làm mủ hay viêm nhiễm tại chỗ, đều có thể có chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, khi bắt đầu phẫu thuật, cách xử lý tình huống của mỗi bệnh lý sẽ khác nhau.

Với trường hợp chẩn đoán ruột thừa nhưng phẫu thuật phát hiện tai vòi dính vào hố chậu sưng to, viêm mủ, BS đôi khi cần mổ cắt nhưng nên bảo tồn buồng trứng. Tuy nhiên BS phải thông báo cho người bệnh hoặc hội chẩn hội đồng chuyên môn, báo cáo người lãnh đạo.

“Có những bệnh cấp tính đòi hỏi từng giờ từng phút, nếu không liên hệ được người nhà ngay lập tức, không thể chờ người nhà được vì sẽ ảnh hưởng tính mạng người bệnh. Với trường hợp có thể chờ được, nên chờ người nhà để giải thích rõ, xin ý kiến” - BS Thảo nói.

BS Thảo lý giải thêm, trong chẩn đoán, nếu không chắc chắn 100% bệnh lý ruột thừa, BS nên giải thích thêm về những bệnh lý có thể nhầm lẫn. Tuy nhiên trong chẩn đoán có thể có nhầm lẫn, thay đổi, bởi vậy mới có chẩn đoán trước mổ, trong và sau mổ.

Trường hợp chẩn đoán bệnh ruột thừa nhưng khi mổ phát hiện viêm vòi trứng không phải hiếm gặp. Nhưng quan trọng khi mổ, bệnh lý nào sẽ được xử lý đúng với cơ chế của bệnh lý đó.

Trước đó như PLO đưa tin, ngày 11-7, chị T (35 tuổi, ngụ Bình Dương) được chuyển từ một BV ở TP Dĩ An đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương để nhập viện, điều trị với chẩn đoán viêm ruột thừa cấp. Sau khi thăm khám, BS chẩn đoán bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp nên giải thích với bệnh nhân và người nhà làm thủ tục để mổ.

Tuy nhiên, khi mổ nội soi, BS khoa Ngoại thấy ruột thừa kích thước bình thường, không sung huyết nhưng lại phát hiện tai vòi dính vào hố chậu sưng to, đang chảy mủ từ loa vòi nên đã mời BS khoa Sản đến kiểm tra.

BS khoa Sản phát hiện tầng trên ổ bụng vùng dưới gan có nhiều dải viêm dính, tai vòi sưng to (bên phải, là phần dẫn trứng vào tử cung), viêm đỏ chảy mủ từ loa vòi, viêm dính vào hố chậu. Các BS nhận định phải cắt bỏ tai vòi (bên phải) ngay để đảm bảo tính mạng cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, thời điểm đó các BS không liên lạc được với người nhà bệnh nhân. Trong tình huống cấp bách, các BS quyết định cắt tai vòi (bên phải) đang sưng to, chảy nhiều mủ để điều trị triệt để tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân.

Sau đó, người nhà bệnh nhân đã bức xúc, cho rằng chị L bị đau ruột thừa nhưng bị BS tự ý cắt buồng trứng.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết đã yêu cầu BV Đa khoa tỉnh Bình Dương báo cáo cụ thể sự việc...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm