Vụ xâm phạm nhãn hiệu Bia Sài Gòn: Giám đốc và công ty bị kết án hình sự

(PLO)- Người trực tiếp thiết kế nhãn hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) cũng bị kết án hình sự và bị xử phạt 700 triệu đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 16-3, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên án vụ án hình sự xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nhãn hiệu bia

Sài Gòn đã được bảo hộ, thuộc sở hữu của Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO).

HĐXX tuyên phạt Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam phải nộp 3 tỉ đồng, bị cáo Lê Đình Trung phải nộp 700 triệu đồng vào ngân sách. HĐXX cũng tuyên tịch thu, tiêu hủy số bia bị thu giữ.

Bị cáo nghe tòa tuyên án. Ảnh: KL

Bị cáo nghe tòa tuyên án. Ảnh: KL

Tự thiết kế nhãn hiệu “nhái” Bia Sài Gòn

Theo HĐXX, sau khi thành lập Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam, bị cáo Trung đã thiết kế nhãn hiệu cho sản phẩm bia lon và thùng carton đựng bia. Sau đó, công ty hợp đồng với đối tác để sản xuất vỏ lon bia, thùng theo thiết kế này...

Tháng 6-2019, ông Trung đại diện công ty nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Bia Sài Gòn Việt Nam cho các sản phẩm bia lúa mạch lên men, bia mạch nha tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN).

Tuy chưa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nhưng công ty này đã tìm nguyên liệu, đối tác để sản xuất bia mang thương hiệu Bia Sài Gòn Việt Nam để bán ra thị trường.

Đầu tháng 4-2020, ông Trung đại diện công ty ký hợp đồng sản xuất với cơ sở sản xuất bia Biva (TP Bà Rịa). Theo hợp đồng, cơ sở này sẽ sản xuất bia theo quy trình kỹ thuật có hướng dẫn của Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam, nguồn nguyên liệu cũng quy định rõ trong hợp đồng...

Cơ sở sản xuất bia biva đã sản xuất, giao cho công ty ba lô hàng, hai lô đầu tổng cộng 4.200 thùng. Khi nhận hàng xong, công ty đã bán cho các đơn vị khác, còn 900 thùng ông Trung sử dụng vào việc biếu, tặng, cho...

Tháng 6-2020, hai bên giao nhận tiếp lô hàng thứ ba với số lượng 4.712 thùng thì bị Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiểm tra, lập biên bản thu giữ.

Theo kết luận giám định, các dấu hiệu Bia Sài Gòn Việt Nam thể hiện trên vỏ lon và thùng bia là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo giấy chứng nhận và được coi là nổi tiếng của SABECO, được xác định là hàng hóa giả mạo theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ. Cơ sở sản xuất bia Biva đã sản xuất bia theo đơn đặt hàng cho Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam với tổng giá trị hàng hóa là hơn 1,4 tỉ đồng.

Bị cáo nhận sai và cam kết đóng phạt sớm

Tại phiên tòa, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt pháp nhân là Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam 2-3 tỉ đồng, phạt bị cáo Trung 600-800 triệu đồng, cùng về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Trung cho rằng hồ sơ vụ án có một số vi phạm như quá trình thu giữ, quản lý tang vật không đúng quy định, yếu tố gây nhầm lẫn giữa các sản phẩm bia chưa rõ ràng...

Trong khi đó, bị cáo Trung thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, không oan sai. Bị cáo cho rằng muốn tạo ra sản phẩm mới cho xã hội, không cố ý xâm phạm quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân khác; do nóng vội trong quá trình khởi nghiệp nên dẫn đến hành vi phạm tội.

Bị cáo đề nghị HĐXX căn cứ vào lời khai của bị cáo để xét xử, ý kiến của luật sư bào chữa chỉ để tham khảo. Bị cáo xin nhận hình phạt tiền như VKS đề nghị và cam kết sẽ đóng phạt trong thời gian sớm nhất...

Đại diện phía bị hại cho biết nhãn hiệu Bia Sài Gòn nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến quyền lợi, ảnh hưởng đến uy tín của SABECO. Đại diện công ty này là đại lý phân phối cấp 1 của SABECO trong thời gian rất dài, đề nghị HĐXX đưa ra một bản án nghiêm minh.

Đề nghị xử lý hành chính nhiều cá nhân, pháp nhân

Theo VKS, do đại diện pháp nhân của Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam tham gia ký hợp đồng với cơ sở sản xuất bia Biva. Tuy nhiên, người này không tham gia việc thiết kế nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng sản phẩm; không mua nguyên liệu, bao bì sản phẩm và điều hành hoạt động nên không đủ cơ sở để xử lý về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Người này được đưa vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. VKS đề nghị Sở KH&ĐT TP.HCM xử lý hành chính đối với người này...

Ngoài ra, một cổ đông khác và các cơ sở sản xuất bia, công ty vận chuyển, sản xuất thùng cho Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam cũng không bị xử lý hình sự với những nhận định như trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm