Thực ra ông Cao Văn Tuế là tên tuổi quen mặt trên văn đàn bởi từng nhận được sáu giải thưởng trong các cuộc thi văn học viết về những đề tài khác nhau. Và Những dòng tâm thức là đầu sách thứ ba của ông được xuất bản.
Ủ men chữ, cất rượu trí tuệ
. Phóng viên: Hành nghề cắt tóc và sáng tác - hai công việc này hỗ trợ ông như thế nào?
+ Ông Cao Văn Tuế: Với nghề cắt tóc, khách và thợ có thể cùng trò chuyện với nhau. Có chuyện tưởng như bâng quơ, có chuyện thật cụ thể. Đó chính là kho tư liệu sống động để tôi chắt lọc lại thành những câu châm ngôn. Còn sáng tác thơ văn và châm ngôn lại đem đến cho tôi những người khách mới, họ đến không chỉ để cắt tóc mà còn là để tâm giao trò chuyện với tôi hằng ngày.
. Như vậy, những câu châm ngôn ngắn gọn đều ra đời từ những câu chuyện tâm giao với khách?
+ Phần lớn là thế. Tuy nhiên, những câu chuyện khách kể hay những chuyện tôi bắt gặp ngoài cuộc sống cũng chỉ như những hạt gạo, tôi phải dùng hạt gạo đó, thông qua bộ não tư duy của mình mà ủ thành những men chữ, sau đó mới cất lên thành những vựa rượu trí tuệ.
81 tuổi, làm nghề cắt tóc gần 70 năm nhưng ông Cao Văn Tuế lại rất có duyên với văn chương và sở hữu một gia tài châm ngôn đồ sộ hơn 4.000 câu.
. Câu châm ngôn đầu tiên ông viết là khi nào?
+ Đó là năm tôi ngoài 60 tuổi.
. Tại sao phải đợi đến lúc đó ông mới bắt đầu “bén duyên” với châm ngôn?
+ Tôi chỉ được học đến lớp 4 trường làng nên kiến thức chữ nghĩa cũng có hạn. Rất may nhờ làm nghề thợ cạo, mỗi lúc vắng khách chẳng biết làm gì tôi lại vơ lấy sách báo mà đọc. Đọc nhiều nên cái tứ văn chương nó mới thấm vào người rồi đến lúc được khơi lên. Sở dĩ tôi phải đợi đến lúc đó mới quyết định viết châm ngôn, vì tôi cần phải tích lũy đủ cả vốn sống và vốn chữ nghĩa. Răn dạy người đời xưa nay vốn khó, răn dạy bằng chữ nghĩa càng khó. Không làm cho họ thấy hợp, thấy tâm đắc thì khó để họ nghe theo, làm theo.
. Nhiều người bước chân vào địa hạt văn nghệ thường chọn viết truyện, làm thơ để khởi nghiệp bút nghiên. Tại sao ông lại chọn châm ngôn làm đường đi cho mình?
+ Tôi là hậu duệ năm đời của cụ Cao Bá Quát. Tôi kính khí phách, tài năng của cụ. Nên tôi cũng quan niệm làm gì ở đời cũng phải lạ, phải có nét riêng. Thơ văn ở đời có nhiều người đã làm và làm giỏi hơn tôi rất nhiều. Nhưng châm ngôn thì tôi đọc bao nhiêu sách vở, bao nhiêu tờ báo hằng ngày vẫn thấy ít xuất hiện. Trong khi những câu nói ấy đôi khi có tác dụng còn hơn cả mấy trang sách, mấy tờ báo. Vì thế tôi quyết định đi theo con đường riêng này của mình.
Giải quyết chuyện ở tổ dân phố bằng châm ngôn
. Ông mong muốn gì ở cuốn Những dòng tâm thức mới được xuất bản của mình?
+ Tôi mong là đọc những câu châm ngôn của tôi, nhiều người sẽ tự điều chỉnh hành xử của mình trong cuộc sống. Dối trá sẽ bớt đi, con cháu thảo hiền hơn, người ta sống nghĩa tình với nhau nhiều hơn.
. Nhưng ông lấy gì để xác tín rằng bạn đọc sẽ tâm đắc châm ngôn của mình và làm theo?
+ Tôi có niềm tin rằng ai đọc một cuốn sách cũng sẽ đúc rút ra được ít nhất một điều gì đó. Tôi nghĩ bạn đọc sẽ được phản tỉnh qua từng câu chữ của tôi. Ví dụ như tôi viết câu “Giọt nước mắt rơi trên giường bệnh thấm hơn giọt nước mắt rơi trên nấm mồ”. Câu này có nghĩa khi bố mẹ ốm đau, con cái phải tận tình chăm sóc. Giọt nước mắt lúc đó sẽ có ý nghĩa hơn khi cha mẹ đã khuất bóng. Rộng ra là đừng làm việc gì khi sự đã rồi, dù cho giọt nước mắt nào cũng mặn như nhau. Rộng ra nữa là bạn bè, anh em hay tình thân trong xã hội cũng thế. Quý nhất vẫn là lúc sống với nhau.
. Từng là tổ trưởng tổ dân phố (tổ 29, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội), đã lần nào ông dùng châm ngôn để giải quyết những vấn đề ở tổ dân phố mình chưa?
+ Nhiều chứ, mình nói đúng ắt sẽ có người nghe. Tôi nhớ có gia đình mà cả bố lẫn con đều là “sâu rượu”. Một lần tôi tìm đến, lựa lúc đứa con vắng mặt, tôi nói với ông bố câu châm ngôn: “Bố dốc chai, con dốc lọ, nhà không đổ cũng phải xiêu”. Ngày hôm sau, ông bố tìm đến nhà tôi và thề sẽ bỏ rượu để làm gương cho con. Lần khác, có ông bố định đánh con vì làm hỏng việc, tôi đến khuyên bảo rồi đọc câu châm ngôn: “Làm hỏng việc không sợ, sợ không tìm ra việc hỏng, sợ nữa không biết hỏng từ đâu”. Nhờ thế mà đứa con được tha đòn.
. Xin cảm ơn ông.
Châm ngôn giản dị mà thấm thía “Cái đặc biệt của ông Cao Văn Tuế là ông không đi vào cái gì cao siêu, triết lý một cách khó hiểu hay dùng những từ phức tạp... Ông kế thừa được cách nói của dân gian. Những câu thành ngữ , tục ngữ dân gian họ nói rất mộc mạc. Ví dụ câu châm ngôn Gây chữ tín một đời, xóa chữ tín một lúc rất ngắn gọn, tưởng như ai cũng có thể nói được. Thế nhưng khi ông Tuế nói thì nó đúng lúc đúng chỗ” - họa sĩ Vũ An Chương, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản VH-TT, nhận xét về châm ngôn của ông Cao Văn Tuế trong bộ phim tài liệu Tay cắt tóc óc hành văn. |
HỒ VIẾT THỊNH thực hiện