Theo hồ sơ, chiều 27-8-2015, anh ĐHT (ngụ quận 9, TP.HCM) cùng vợ đến ăn uống tại quán trên đường Điện Biên Phủ, quận 3. Tại đây, vợ chồng anh T. gặp bạn đang ngồi với một số người khác ở bàn kế bên nên đã qua ngồi chung bàn cho vui.
Lượm điện thoại rồi bỏ đi
Trong bàn này còn có anh TQH và Lê Quang Lưu (em trai anh H., sinh năm 1989, ngụ quận Bình Thạnh) đang ngồi ăn uống chung. Đến khi tính tiền, anh T. nói để hùn tiền trả nên đã có lời qua tiếng lại với anh H. Lúc này, Lưu cầm chai bia đập mạnh vào đầu anh T. gây chảy máu. Sau đó một vài người trong bàn lao vào đánh anh T. làm rơi điện thoại di động hiệu Samsung Galaxy Note 2 của anh xuống sàn nhà.
Thấy điện thoại rơi, Lưu nhặt bỏ túi rồi đi ra ngoài. Khi Lưu bỏ đi cũng là lúc công an phường đến mời tất cả về trụ sở làm việc. Lưu tắt điện thoại của anh T., tháo pin, tháo SIM đem về nhà mình cất. Đến khi công an qua xem hình ảnh camera phát hiện Lưu là người lấy điện thoại trên nên đã mời lên làm việc và yêu cầu giao nộp. Tại cơ quan điều tra, Lưu khai do nảy sinh lòng tham nên đã có hành vi chiếm đoạt điện thoại của anh T. Theo kết quả giám định, chiếc điện thoại trị giá hơn 3,2 triệu đồng.
Sau đó Công an quận 3, TP.HCM ra quyết định không khởi tố vụ án cố ý gây thương tích (với những người đánh nhau) và chiếm giữ trái phép tài sản (với riêng Lưu). Nhưng khi công an chuyển hồ sơ đến VKSND cùng cấp để kiểm sát hồ sơ thì cơ quan này không đồng tình. VKS cho rằng hành vi Lưu nhặt điện thoại của anh T. bỏ vào túi quần, sau đó tháo SIM, pin, mang điện thoại về nhà đủ yếu tố cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Vì thế VKSND quận hủy bỏ quyết định không khởi tố Lưu về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Cảnh hỗn chiến tại quán khiến ông T. rơi điện thoại. Ảnh cắt từ clip
VKS chuyển tội danh, tòa chấp nhận
Đầu năm 2017, VKSND quận ra cáo trạng truy tố Lưu về tội danh trên. Nhận cáo trạng, Lưu có ý kiến là khi đánh nhau thấy điện thoại rớt, tưởng là của anh em trong nhóm nên nhặt bỏ vào túi quần. Sau khi biết điện thoại của anh T. và sợ bị bắt về việc đánh nhau nên Lưu mới tắt nguồn, tháo SIM. Lưu cho rằng mình có báo với gia đình anh T. là có lượm được chiếc điện thoại của anh T. và có hứa trả…
Mới đây TAND quận 3 đã xử sơ thẩm vụ án. Tại tòa sau phần xét hỏi, đại diện VKSND quận đã đề nghị chuyển tội danh của Lưu từ tội công nhiên chiếm đoạt tài sản sang tội trộm cắp tài sản. Từ đó đại diện VKS đề nghị tòa xử phạt Lưu mức án từ sáu đến chín tháng tù treo. Theo đại diện VKS, lời khai của Lưu tại tòa cho thấy Lưu có hành vi lén lút đối với anh T. để chiếm đoạt chiếc điện thoại, đó là dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản.
HĐXX nhận định lời khai nhận tội của Lưu phù hợp với lời khai của người bị hại, người làm chứng cùng các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ. Đó là trong lúc anh T. làm rớt chiếc điện thoại xuống đất và lợi dụng lúc mọi người đang đánh nhau bị cáo đã lén lút lấy điện thoại rồi bỏ đi. Hành vi này đã cấu thành tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 BLHS. Đề nghị chuyển tội danh của KSV để xét xử bị cáo về một tội khác nhẹ hơn tội đã truy tố là có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật nên chấp nhận. HĐXX cũng đánh giá xem xét bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên tuyên phạt Lưu sáu tháng tù treo về tội trộm cắp.
Công khai hay lén lút?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM nhiều thẩm phán chuyên xét xử hình sự đồng tình với việc TAND quận 3 xét xử Lưu về tội trộm cắp tài sản.
Bởi công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi Lưu công khai, ngang nhiên chiếm đoạt tài sản ngay trước sự chứng kiến của anh T. Còn trộm cắp thì dấu hiệu đặc trưng là có hành vi lén lút để lấy tài sản. Điểm khác nhau nữa giữa hai tội là nhận thức chủ quan của chủ tài sản. Ở tội trộm cắp, hành vi lén lút chiếm đoạt được thực hiện bằng khả năng không cho phép anh T. biết. Trước khi xảy ra hành vi phạm tội của Lưu thì anh T. quản lý tài sản nhưng khi Lưu lấy điện thoại thì anh T. không biết, sau đó mới biết.
Trong khi tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, thì khi Lưu thực hiện hành vi chiếm đoạt điện thoại anh T. vẫn nhận biết được. Nhưng do anh T. không có điều kiện để bảo vệ chiếc điện thoại nên Lưu mới ngang nhiên chiếm đoạt mà không cần dùng thủ đoạn nào để đối phó với anh. Thực tế thì lúc bị đánh anh T. không nhận thức được sự việc diễn ra xung quanh mình, không biết điện thoại của mình bị rơi nên Lưu mới lén lút chiếm đoạt.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có tình tiết mới. Mời bạn đọc xem clip do camera của quán ăn quay được trên báo điện tử Plo.vn cùng để bàn luận về tội danh đối với Lưu.
Chuyển tội nhẹ hơn, tòa được quyền xử Theo quy định Điều 196 BLTTHS thì giới hạn của việc xét xử sơ thẩm là tòa chỉ xét xử những hành vi theo tội danh mà VKS đã truy tố và tòa án quyết định đưa ra xét xử. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo điều khoản khác với điều khoản mà VKS truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn tội danh mà VKS đã truy tố. Trong vụ án này, VKS đã chuyển tội danh với bị cáo Lưu nhẹ hơn truy tố ban đầu nên tòa có quyền xét xử. |