Sau khi có báo cáo của công an huyện này, chúng tôi sẽ có thông tin chính thức gửi báo chí”. Chiều 26-4, Trung tá Vũ Xuân Hùng, Quyền Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hải Phòng, cho biết.
Chiều cùng ngày, ông Phùng Văn Hòa, trú thôn Bái Khê, xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, cho biết trước đó các công an liên quan có thỏa thuận chuộc lại hai chiếc điện thoại. Việc này chưa ngã ngũ thì ngày 26-4 báo chí thông tin nên mọi thỏa thuận dừng lại.
Như đã thông tin, ông Hòa vừa có đơn tố cáo tổ công tác của Công an huyện Vĩnh Bảo đã đánh, còng tay trái pháp luật ông vì không thỏa thuận được chuyện chuộc hai điện thoại mà ông nhặt được. Sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng thông tin này, nhiều bạn đọc thắc mắc: Luật pháp quy định trường hợp này như thế nào? Ông Hòa có quyền và nghĩa vụ gì với hai chiếc điện thoại đó?
Ông Phùng Văn Hòa mang cả chiếc còng số 8 đang mang trên tay về nhà. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Luật sư Nguyễn Hoàng Anh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết việc công an có hành vi còng tay, đánh người… thì các cơ quan chức năng đang làm rõ. Riêng chuyện ông Hòa yêu cầu chuộc điện thoại là không đúng.
Điều 241 Bộ luật Dân sự quy định: “Người nhặt được vật do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại. Nếu không biết địa chỉ thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết”.
Trong trường hợp này, ông Hòa biết người mất tài sản thì phải trả lại cho người đánh rơi mà không được quyền yêu cầu các công an chuộc lại.
Cũng cần nói thêm, nếu ông Hòa không trả lại tài sản có thể bị xử lý hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 141 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người nào cố tình không trả hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ
10 triệu đến dưới 200 triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc tìm, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Với thông tin tài sản là hai điện thoại iPhone và Samsung, giá trị sẽ trên 10 triệu đồng nên ông Hòa có thể bị xử lý tội danh này nếu không trả cho chủ sở hữu hoặc giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền.
Riêng việc công an “thỏa thuận chuộc” điện thoại, pháp luật không cấm. Đây được xem là khoản tiền “tặng” cho người nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất. Nếu họ đổi ý không “tặng” tiền, ông Hòa vẫn phải giao trả hai điện thoại.