Tại hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2020, lãnh đạo TAND Tối cao cho biết đã thống nhất lựa chọn vua Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.
Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống TAND (13-9-1945 - 13-9-2020).
Trước đó, TAND Tối cao đã tổ chức lấy ý kiến, lựa chọn từ một trong hai nhân vật lịch sử là vua Lý Thái Tông và Trần Nhân Tông trong hệ thống tòa án quân sự trung ương, các đơn vị TAND Tối cao và Cấp cao, TAND tỉnh, thành trực thuộc trung ương.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.MINH
TAND Tối cao cũng đã phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức nghiên cứu, tiếp nhận các ý kiến đề xuất, tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia để các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận về các nhân vật lịch sử.
Trên cơ sở các đơn vị đề cử 15 nhân vật tiêu biểu tính từ thời kỳ nhà Đinh cho đến thời kỳ nhà Nguyễn gồm: Lưu Cơ, Phạm Cự Lượng, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Tô Hiến Thành, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trung Ngạn, Lê Thánh Tông, Dương Trực Nguyên, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Công Hãng, Nguyễn Khoa Đăng, Lê Công Miễn, Minh Mệnh.
Được biết sau khi lựa chọn được nhân vật, TAND Tối cao sẽ tiến hành xây dựng hình tượng, biểu tượng thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực để phát hành kỷ yếu về cuộc đời, sự nghiệp và công trạng của nhân vật. Cạnh đó là xây dựng các tập phim lịch sử về nhân vật; tiến hành đúc tượng để tôn vinh và trưng bày tại trụ sở của TAND Tối cao và các TAND trong cả nước…
Ngoài ra, tại hội nghị, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết tiến tới kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống TAND, TAND Tối cao sẽ khánh thành trụ sở mới vào tháng 9 (tại 43 Hai Bà Trưng, Hà Nội) và sẽ có kế hoạch mời các chánh án qua từng thời kỳ đi tham quan công trình mới này.
Đúc chuông để người dân đến bày tỏ nỗi oan ức Vua Lý Thái Tông (1000-1054) là vị vua thứ hai của thời Lý, trị vì trong giai đoạn 1028-1054. Lý Thái Tông tên thật là Lý Phật Mã, là con cả của vua Lý Thái Tổ. Ông được vua cha dạy rất bài bản từ sớm, lại trưởng thành trong thực tế gian nan và hào hùng của những thập niên đầu tiên xây dựng vương triều nên "đánh đâu được đấy, vũ công lừng lẫy". Từ khi mới 12 tuổi, ông đã sống tự lập bên cạnh những người dân quê để hiểu dân và có trách nhiệm với dân trước khi trở thành vị hoàng đế cai quản muôn dân. Sử thần đời Lê Ngô Sĩ Liên ca ngợi Lý Thái Tông "là người nhân triết thông tuệ, có đại lược văn võ, lục nghệ không nghề gì không tường vì có tài, có đức nên có thể làm mọi việc". Với 27 năm trị vì, ông đã thực sự đưa vương triều và đất nước bước vào giai đoạn thái bình thịnh trị. Ông trở thành một ông vua đặc sắc và có tài nhất trong các vị vua Lý. Ông đặt luật, trị quốc thân dân, khai mở nền thái bình Đại Việt, trở thành vị hoàng đế tiêu biểu nhất trong bảo vệ công lý và hoạt động xét xử dưới thời quân chủ Việt Nam. Những câu chuyện được sử sách nhắc đến: Xử đại án bằng lòng nhân từ của Phật, đúc chuông để người dân đến bày tỏ nỗi oan ức, khai mở một nền pháp luật thân dân Đại Việt... |