Vừa thông xe đường đã hỏng: Nhà thầu vẫn không chịu bồi thường!

(PLO)- Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi vừa thông xe đã hư hỏng nhưng 3/5 nhà thầu không chấp nhận bồi thường, không đồng ý với kết quả giám định...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 17-10, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét hỏi các nhà thầu thi công công trình đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.

phiên tòa.jpg
Tại phiên tòa ngày 17-10, 3/5 nhà thầu không đồng ý bồi thường cho chủ đầu tư. Ảnh: T.P

Không đồng ý bồi thường

Có năm nhà thầu thi công dự án, được triệu tập đến tòa với tư cách bị đơn dân sự gồm gói thầu A1 nhà thầu là liên danh Tổng Công ty Xây dựng số 1 và Lotte. Gói thầu A2 có nhà thầu là Tập đoàn Sơn Đông, gói thầu A3 là nhà thầu Giang Tô, gói thầu A4 nhà thầu Lotte E&C, gói thầu A5 nhà thầu Posco E&C.

Tuy nhiên, có hai nhà thầu là Tập đoàn Sơn Đông và Tập đoàn Giang Tô ủy quyền cho đại diện tham gia phiên tòa nhưng giấy ủy quyền chưa được hợp pháp hóa lãnh sự nên trước mắt chỉ tham gia để nắm bắt phiên tòa, chưa thể tham gia trả lời HĐXX.

Tại phiên tòa, đại diện VEC đã yêu cầu các nhà thầu thi công dự án phải liên đới bồi thường cho chủ đầu tư.

Trong đó, gói thầu A1 do Liên danh nhà thầu Tổng Công ty xây dựng số 1 - Tập đoàn Lotte E&C (Hàn Quốc) thi công. Kết quả kiểm định chất lượng cho thấy tại gói thầu A1, một số phân đoạn lớp bê tông nhựa hạt trung, lớp bê tông nhựa hạt mịn có độ chặt và độ rỗng dư không đạt yêu cầu kỹ thuật.

Đối với yêu cầu bồi thường của VEC, đại diện Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) “không đồng ý bồi thường, cũng không đồng ý với kết luận giám định”. Lý do, theo CC1, thời điểm lấy mẫu giám định là sau 2-3 năm khi dự án đã được bàn giao. Đến nay, dự án đã thông xe được 5 năm.

Ngoài ra, CC1 cũng không đồng ý yêu cầu bồi thường thiệt hại của VEC vì theo hợp đồng giữa hai bên, nhà thầu đã làm đúng quy trình thể hiện ở chỗ nhà thầu đã được thanh toán, trên hồ sơ nghiệm thu, thanh toán (IPC) có đủ chữ ký các nhân sự của chủ đầu tư. Nhà thầu không có lỗi.

CC1 mong HĐXX ghi nhận VEC đang có công nợ với nhà thầu A1 là 150 tỉ đồng, đây là khối lượng đã thi công nhưng chưa được thanh toán. Ngoài ra, chủ đầu tư VEC còn đang giữ lại khoản tiền bảo lãnh là hơn 47 tỉ đồng.

CC1 cho biết thêm mặc dù là liên danh nhà thầu nhưng sau khi trúng thầu, Lotte E&C đã có văn bản ủy quyền cho CC1 thực hiện gói thầu này toàn bộ. Do đó, “trường hợp nhà thầu gói A1 bị quy trách nhiệm thì CC1 nhận trách nhiệm toàn bộ và xin đề nghị sử dụng bảo lãnh bảo hành 5% mà chủ đầu tư đang giữ lại” – đại diện CC1.

Nhà thầu muốn trình chiếu video con đường

Đại diện nhà thầu Lotte E&C trả lời HĐXX thông qua thông dịch viên. Lotte E&C tham gia liên danh gói thầu A1 và là nhà thầu gói A4 cũng không đồng ý bồi thường và khẳng định liên danh đã thực hiện thi công đúng, đã kiểm tra chất lượng và đã được duyệt thông qua.

Sau khi hoàn thành, trong 2 năm, nhà thầu không nhận được công văn yêu cầu về việc sửa lỗi phát sinh trên gói thầu do Lotte E&C đảm nhiệm. Hiện nay, con đường đang được vận hành bình thường đảm bảo tốc độ của đường cao tốc. Kể từ khi thông đường, tuyến đường chưa từng bị tạm dừng, tạm đình chỉ để sửa lỗi và vẫn đang vận hành thu phí thông thường.

Lotte E&C gửi 3 video do nhà thầu thực hiện tháng 10-2022, 5-2023 cho thấy con đường vận hành bình thường không có sai sót gì và đề nghị HĐXX trình chiếu các video này.

Đại diện nhà thầu Posco E&C nhấn mạnh phản đối 100% yêu cầu bồi thường của VEC. Vấn đề chất lượng gói thầu, qua 5 năm kể từ khi thông xe, Posco E&C không nhận được công văn từ các đơn vị vận hành yêu cầu sửa chữa liên quan gói thầu A5.

Posco E&C phản đối phương pháp thực hiện giám định và cho rằng đây là trường hợp duy nhất trên thế giới để đánh giá chất lượng con đường sau khi đường đã đưa vào sử dụng. Theo thông tin nhà thầu này được biết, Bộ GT&VT có đưa ra phương pháp tính khác liên quan chất lượng đường sau thi công.

Dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi khởi công ngày 19-5-2013 đến ngày 1-8-2017 đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường thuộc giai đoạn 1; ngày 2-9-2018 đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường thuộc giai đoạn 2.

Tuy nhiên, khi vừa đi vào sử dụng, đường cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, an toàn giao thông, gây bức xúc trong nhân dân.

Kết quả kiểm tra hiện trường thi công của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng và các cơ quan trực thuộc từ năm 2015 đến năm 2018 cho thấy còn rất nhiều thiếu sót, vi phạm trong quá trình thi công, không tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế, dẫn đến thiệt hại 460 tỉ đồng cho Nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm