Chiều 17-10, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xử vụ sai phạm dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi với phần xét hỏi đối với các đơn vị là chủ đầu tư, các nhà thầu.
Trong phiên tòa này, Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được triệu tập với tư cách nguyên đơn dân sự.
Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, Bộ GTVT giao VEC làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140km.
Quá trình thực hiện dự án, 22 bị cáo trong vụ án có nhiều sai phạm dẫn đến công trình không đảm bảo chất lượng, vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, gây thiệt hại cho Nhà nước 460 tỉ đồng.
Tại phiên tòa, đại diện VEC mong HĐXX trong quá trình xem xét giải quyết vụ án, nếu xác định các nhà thầu thi công các gói thầu A1, A2, A3, A4, A5 có sai phạm gây thiệt hại cho chủ đầu tư thì phải bồi thường theo đúng quy định pháp luật, thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó. “Chi tiết thiệt hại, chúng tôi đã có văn bản gửi CQĐT và VSK, mong HĐXX xem xét’’ - đại diện VEC nói.
Theo đại diện VEC, cơ sở yêu cầu bồi thường là hợp đồng giữa chủ đầu tư và các nhà thầu. Các nhà thầu có nghĩa vụ xây dựng tuyến đường đảm bảo an toàn, tiến độ, tiêu chuẩn chất lượng. Trường hợp thực hiện không đúng, không đầy đủ, sai sót thì phải bồi thường. Tuyến đường nếu còn khiếm khuyết hư hỏng thì VEC yêu cầu nhà thầu khắc phục theo trách nhiệm nhà thầu.
Có năm gói thầu trong giai đoạn 2 của vụ án gồm gói thầu A1, nhà thầu là liên danh Tổng Công ty Xây dựng số 1 và Lotte. Gói thầu A2 có nhà thầu là Tập đoàn Sơn Đông, gói thầu A3 là nhà thầu Giang Tô, gói thầu A4 nhà thầu Lotte E&C, gói thầu A5 nhà thầu Posco E&C.
Kết quả điều tra, kết luận giám định của cơ quan giám định tư pháp xác định đối với các gói thầu thuộc giai đoạn 2 của dự án, VEC đã thanh toán cho các nhà thầu thi công các hạng mục xây dựng không đảm bảo chất lượng số tiền là 460 tỉ đồng.
Trong đó, thanh toán cho nhà thầu của gói thầu A1 là 47,5 tỉ đồng; gói thầu A2 là 129 tỉ đồng; gói thầu A3 là 85 tỉ đồng; gói thầu A4 là 127 tỉ đồng và gói thầu A5 là 71 tỉ đồng.
“Chúng tôi nhất quán quan điểm không yêu cầu các bị cáo bồi thường’’- đại diện VEC nhấn mạnh.
Các bị cáo trong vụ án đều là nhân viên, chuyên gia có đóng góp cho ngành giao thông vận tải, có nhiều bằng khen giấy khen. Mong HĐXX xem xét trên cơ sở tính nhân văn của pháp luật, “đánh người chạy đi không ai đánh người chạy lại’’ xem xét cho các bị cáo, coi đó như rủi ro nghề nghiệp.
Cũng theo đại diện VEC, bản án giai đoạn 1 quá đủ sức răn đe đối với các bị cáo. Một số tài sản của các bị cáo bị kê biên, phong tỏa, ngừng giao dịch. VEC không yêu cầu các bị cáo bồi thường nên đề nghị HĐXX hủy bỏ biện pháp ngăn chặn này.
“Các bị cáo nóng lòng hoàn thành con đường. Họ chỉ mong sớm hoàn thành công trình, không cố ý, không rút ruột công trình, họ đều có nhân thân tốt, gia đình có công, đề nghị xem xét giảm nhẹ khoan hồng cho các bị cáo’’- đại diện VEC trần tình thay các bị cáo.