Vui buồn bóng đá VN

Vui...

Bóng đá VN thăng hoa ở Asian Cup và vòng loại Olympic.
Bóng đá VN thăng hoa ở Asian Cup và vòng loại Olympic.

Tổ chức thành công vòng chung kết Asian Cup. Thắng lợi lớn nhất của bóng đá VN năm qua chính là việc tổ chức thành công vòng chung kết Asian Cup.

Lần đầu tiên được đăng cai một bảng và 2 trận tứ kết, rồi bán kết giải bóng đá lớn nhất châu lục, LĐBĐVN đã biết phát huy tiềm lực lẫn kinh nghiệm, sự thiện chí và chặt chẽ trong công tác điều hành để mang lại cái nhìn thiện cảm của bè bạn thế giới.

Không để xảy ra những sai sót nào lớn và lượng khán giả rất đông, rất cuồng nhiệt, đáp ứng được kỳ vọng của AFC đã giúp LĐBĐVN có được chỗ đứng trong top các LĐ quốc gia tốt nhất châu lục.

Cũng tại giải đấu này, đội tuyển bóng đá VN lần đầu tiên lọt vào tứ kết, và trở thành quốc gia duy nhất của Đông Nam Á có mặt trong top 8 châu Á đã tạo nên tiếng vang rực rỡ.

Vào đến vòng loại cuối cùng khu vực châu Á Olympic Bắc Kinh. Đội tuyển Olympic VN cũng đã có bước thăng hoa rõ rệt khi vào đến vòng loại cuối cùng khu vực châu Á Olympic Bắc Kinh, cũng là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có mặt trong top 12. Thành tích này không phải ngẫu nhiên mà có. Chính sự nỗ lực của cả một tập thể, sự quyết tâm "vượt vũ môn" khi đối đầu với các đội Tây Á có nhiều điểm vượt trội hơn mình, đã giúp U.23 VN có được những "cú hích" đáng kể, khiến cho các đội trong khu vực không còn dám xem thường. Những trận thắng trước Oman 2-0, Libăng 2-0, hòa Qatar và Ả Rập Xê Út đều 1-1, và hai lần quật ngã Indonesia bằng phong cách chơi tự tin, dũng mãnh đã nói lên những tiến bộ có thật của U.23 VN.

Tiếng vang U.21 quốc tế Báo Thanh Niên. Giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên lần đầu tiên được tổ chức quy tụ 4 đội U.21 quốc tế trong khu vực tham gia đã gây tiếng vang rất mạnh mẽ, được chính AFC đánh giá cao và chính thức công nhận là giải mới quốc tế trẻ, được các LĐBĐ Thái Lan, Singapore, Myanmar gửi thư khen và cảm ơn đã tổ chức một sân chơi thú vị và hiệu quả cho bóng đá trẻ.

Một niềm vui khác là công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ bóng đá trẻ đã được từ LĐ, đến các CLB và các giải đấu quan tâm nhiều hơn. Nếu LĐ đã khởi công xây dựng các sân bóng đá chuẩn bị cho "chiến dịch" đào tạo trẻ thì Hoàng Anh Gia Lai đã có bước đi mang tính đột phá táo bạo khi thành lập Học viện HAGL Arsenal JMG.

Học viện do chính các chuyên gia Arsenal trực tiếp tuyển chọn và đào tạo trong 7 năm, được coi là bước đi hết sức căn cơ trong việc cho ra lò một thế hệ cầu thủ mới xuất sắc vào năm 2014. Chính sự thành công của Học viện HAGL Arsenal JMG và giải U.21 quốc tế lần đầu cho thấy: một khi tính xã hội hóa được phát huy tốt thì bóng đá VN đủ sức đi lên bằng đôi chân của chính mình.

Nỗi đau đớn, thất vọng của Công Vinh, cũng như người hâm mộ VN, sau những trận đấu tệ hại của U.23 tại SEA Games 24.
Nỗi đau đớn, thất vọng của Công Vinh, cũng như người hâm mộ VN, sau những trận đấu tệ hại của U.23 tại SEA Games 24.

Bình Dương xô ngã nhiều kỷ lục của V-League. Trong năm 2007, sự kiện Bình Dương vô địch sớm trước 4 vòng, xô ngã nhiều kỷ lục của V-League cũng mang lại niềm vui cho người hâm mộ, cho thấy với hướng đầu tư đúng đắn cộng với nội lực hùng hậu, đội bóng này không chỉ tìm lại vinh quang như năm 1994 (Sông Bé vô địch Cúp quốc gia) mà còn mở ra triển vọng ở đấu trường Champions League châu Á sắp tới.

... Và buồn

Thất bại đau đớn tại SEA Games 24. Đau nhất có lẽ là thất bại tại SEA Games 24. Một thất bại cay đắng không phải vì mình yếu hơn đối thủ mà chính do mình tự làm yếu mình. Đâu ai ngờ bóng đá nam lại đổ gục ở một giải đấu được kỳ vọng số 1 trong năm như vậy.

Bước chuẩn bị sai lầm và thái độ hời hợt, nhu nhược của LĐBĐVN là nguyên nhân cốt lõi nhất tạo nên sụp đổ đó, rồi mới đến trách nhiệm của BHL và từng cầu thủ. Không thể tưởng tượng được, một đội chơi "hoành tráng" trước các đối thủ lớn suốt năm lại lúng túng như gà mắc tóc tại SEA Games 24. Thiếu tinh thần, thiếu thể lực, thiếu cả quyết tâm do chủ quan, do nóng vội và do tư tưởng thỏa mãn quá sớm đã tạo nên hình ảnh U.23 hoảng loạn, cuống cuồng ở Korat.

Cổ động viên Thanh Hóa bạo loạn. Năm 2007 cũng có nỗi buồn từ hình ảnh bạo loạn của cổ động viên Thanh Hóa, 2 lần trên sân nhà gây áp lực với trọng tài, rượt đánh cầu thủ SLNA phải chạy vào nhà dân. Nhưng manh động nhất chính là trên sân Quân khu 7, khi các phần tử xấu ném nhiều vật lạ vào sân khiến trận đấu TMN-CSG - Thanh Hóa phải gián đoạn.

Phiên tòa xử những cầu thủ (Ảnh: Quang Minh - Bạch Dương).
Phiên tòa xử những cầu thủ (Ảnh: Quang Minh - Bạch Dương).

Nỗi buồn từ những phiên tòa. Đó là những phiên tòa xử cầu thủ, HLV, trọng tài do liên quan đến chuyện mua bán độ. Hình phạt cuối cùng đều có châm chước, nhưng điều đọng lại vẫn là sự giằng xé lương tâm của những con người này.

Họ "nhúng chàm" vì thiếu hiểu biết, vì tha hóa... Nhưng trên hết chính là do sự thiếu giáo dục thường xuyên, sự quản lý lỏng lẻo, sự xử lý không đến nơi đến chốn trước đó của LĐBĐVN.

Rộng hơn chính là sự thả nổi, sự dung dưỡng và phần nào có thể hiểu là "đồng lõa" của những người điều hành làng bóng khiến cho bóng đá VN đụng vào đâu cũng có thể thấy tiêu cực.

Thế nên dù mang tiếng chuyên nghiệp 7 năm qua, nhưng nếu LĐBĐVN không đổi mới thì bóng đá nước nhà vẫn còn phải mang mãi đôi giày... nghiệp dư!

QUANG TUYẾN - (Theo Thanh Niên)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm