Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa phát huy được lợi thế nhiều ngành

(PLO)- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng; lợi thế cấp vùng của nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 1-7, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 39 phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Tọa đàm Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm trong bối cảnh mới.

Ông Trần Tuấn Anh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết và ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam đồng chủ trì toạ đàm.

Cùng tham dự toạ đàm có các Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và TP Đà nẵng; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương...

Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi toạ đàm. Ảnh: THANH NHẬT

Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi toạ đàm. Ảnh: THANH NHẬT

Phát biểu mở đầu, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Phan Việt Cường nhấn mạnh, Quảng Nam rất vinh dự khi được Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 39 chọn làm điểm tổ chức toạ đàm Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm trong bối cảnh mới.

Bí thư Quảng Nam cho rằng, các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, nhất là bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo của đất nước.

ể phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của cả Vùng nói chung và Quảng Nam nói riêng, ông Cường mong nhận được sự quan tâm, ủng hộ Trung ương có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy sự phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; đồng thời, tạo điều kiện để Quảng Nam có một số cơ chế mang tính chiến lược.

“Trước bối cảnh thách thức và yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của quá trình hội nhập, cạnh tranh quốc tế, của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các lợi thế dần bị thu hẹp; các thách thức về giao thông, môi trường, dân số, hiện tượng cực đoan về biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong thời gian gần đây… đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững chung của cả Vùng và của từng địa phương.

Do đó, việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh trong Vùng theo nguyên tắc cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng nhau có lợi, khai thác hiệu quả nhất kết cấu hạ tầng kết nối nội vùng, liên vùng. Đồng thời, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh các ngành, lĩnh vực nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương là hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay” - ông Cường phát biểu.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, phát triển kinh tế- xã hội Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đã nhiều thay đổi; tư duy về phát triển vùng có nhiều đổi mới; kinh tế của vùng đã có sự khởi sắc và tăng trưởng liên tục nhất là trong giai đoạn 2010 - 2019; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực...

Tuy nhiên, trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước, phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung còn khá chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của Trung ương, đang là “vùng trũng” trong các vùng KTTĐ khác của cả nước.

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam. Ảnh: THANH NHẬT

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam. Ảnh: THANH NHẬT

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, phát triển vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đang gặp phải nhiều tồn tại, hạn chế như: Tăng trưởng kinh tế còn thiếu ổn định; quy mô kinh tế còn nhỏ, khoảng cách phát triển giữa các địa phương gia tăng nhất là mật độ kinh tế; quy hoạch phát triển vùng KTTĐ miền Trung còn nhiều bất cập; hạ tầng kinh tế - kỹ thuật chưa đồng bộ cản trở tổ chức không gian phát triển.

Ngoài ra, diện tích khu vực rộng lớn trong khi nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu; các đô thị thiếu liên kết thành một hệ thống thống nhất. Vai trò hạt nhân của TP Đà Nẵng chưa cao, tài nguyên chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển nhất là tài nguyên biển. Cạnh đó, tỷ lệ lao động lành nghề thấp; thiếu hụt lao động chất lượng cao; doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ, chưa có nhiều sản phẩm chủ lực có thương hiệu tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

“Đặc biệt là cơ chế điều phối, liên kết phát triển vùng đã được ban hành, nhưng chưa mang lại nhiều kết quả do thiếu cơ chế ra quyết định và điều phối liên kết giữa các địa phương; xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng; lợi thế cấp vùng của nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy” - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Toạ đàm vẫn đang tiếp tục diễn ra...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm