'Vùng rốn lũ' Tân Hoá được vinh danh làng du lịch tốt nhất thế giới

'Vùng rốn lũ' Tân Hoá được vinh danh làng du lịch tốt nhất thế giới

(PLO)- Người dân "Vùng rốn lũ" Tân Hoá đã biến cái bất lợi thành sinh kế bền vững trên con đường chinh phục thiên nhiên gắn với du lịch cộng đồng.

ve-dep-cua-vung-ron-lu-duoc-the-gioi-vinh-danh (9).jpg
Cổng Làng du lịch Tân Hoá

Tân Hoá là một xã miền núi vùng sâu thuộc huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình (cách trung tâm thị trấn Quy Đạt khoảng 8 km về phía Đông Nam) với dân số hơn 3.000 người.

Đây là nơi sinh sống tập trung chủ yếu của người Nguồn (tên gọi cộng đồng dân tộc thuộc nhóm Việt - Mường) với ngôn ngữ cùng các nét sinh hoạt văn hoá riêng biệt. Từ ngày xưa, người dân Tân Hoá sống dựa vào công việc làm nông, trồng lúa, bắp, lạc, chăn nuôi và sống dựa vào cánh rừng Tú Làn.

ve-dep-cua-vung-ron-lu-duoc-the-gioi-vinh-danh.jpg
Làng Tân Hoá sở hữu phong cảnh sơn thủy hữu tình với những dãy núi đá vôi trùng điệp, các thung lũng thơ mộng.

Trải qua bao thăng trầm biến thiên của lịch sử, người dân Tân Hoá vẫn giữ vững và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc truyền thống. Họ xem vùng đất nắng nóng, gió Lào, thường xuyên chịu cảnh thiên tai, lũ lụt của mình không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn mà còn là nơi để xây dựng những giá trị du lịch khác biệt.

“Thung lũng đựng nước”

Làng Tân Hoá nằm ở vùng hạ nguồn bên dòng sông Rào Nan bắt nguồn từ vùng núi giáp biên giới Việt – Lào. Vào mùa mưa, nước sông đổ ào ạt từ vùng thượng nguồn chảy về xã Tân Hoá.

Lối thoát nước duy nhất chính là những hang động ở cuối thung lũng nhưng những lối thoát này không đủ lớn để lượng nước lũ ồ ạt có thể thoát ra một cách nhanh chóng. Do đó, cứ vào giữa tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, ngôi làng bên sông Rào Nan lại hứng chịu những trận mưa lớn gây ngập sâu.

ve-dep-cua-vung-ron-lu-duoc-the-gioi-vinh-danh (15).jpg
Trận lũ lịch sử năm 2010 tại Tân Hoá

Trận lũ lịch sử năm 2010, mực nước dâng cao 12m đã nhấn chìm hầu hết các ngôi nhà ở Tân Hoá, người dân phải sơ tán lên các hang đá và vách núi để trú ẩn chờ nước rút. Cũng từ đó, Tân Hoá được mệnh danh là “vùng rốn lũ” hay “thung lũng đựng nước”.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, sau trận lũ đi qua, đã có nhiều đề xuất như di dời toàn bộ dân làng trong vùng trũng đi nơi khác hay đề xuất phá núi để tạo luồng thoát lũ xuyên qua khu vực hang động.

Tuy nhiên, các đề xuất đều không thể thực hiện được vì người dân đã sinh sống ở ngôi làng của họ hàng trăm năm và họ không muốn dời đi sinh sống nơi khác. Còn giải pháp phá núi tạo dòng thoát lũ thì cần nguồn kinh phí quá lớn, chưa kể giải pháp này có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên.

ve-dep-cua-vung-ron-lu-duoc-the-gioi-vinh-danh (2).jpg
Tân Hoá sở hữu nhiều hang động kì vỹ, tráng lệ

“Cách đây rất lâu cũng đã từng có đề xuất dùng một lượng chất nổ đủ lớn để phá vỡ hang nhằm thoát nước lũ cho làng quê này, nhưng thật may các cấp lãnh đạo không đồng ý. Và với tình yêu thiên nhiên và lòng kiên trì vô tận, đến nay vẻ đẹp làng quê nơi “thâm sơn cùng cốc” này vẫn được giữ gìn nguyên vẹn và được đông đảo du khách trong nước, quốc tế biết đến”, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chia sẻ.

Làng du lịch thích ứng thời tiết

Để thoát cảnh phải lên núi dựng lều, căng bạt chạy lũ, năm 2011, người dân Tân Hoá đã có sáng kiến làm bè phao để sống chung với lũ.

Bè phao được làm trên khoảng 20 đến 30 chiếc thùng phuy rỗng kết lại tùy vào từng nhà làm bè lớn hay nhỏ, khi nước dâng cao, bè sẽ nổi theo nước.

ve-dep-cua-vung-ron-lu-duoc-the-gioi-vinh-danh (8).JPG
Một homestay được xây dựng từ căn nhà nổi giúp du khách có một trải nghiệm lưu trú có một không hai

Từ kinh nghiệm qua những năm lũ lụt, bà con cải tiến bè nổi thành nhà nổi, có mái, vách thưng che mưa nắng, được cố định thông qua 4 cọc ở 4 góc. Ở trong căn nhà nổi này, người dân có thể sinh hoạt bình thường, sống chung với mưa lũ.

Tính đến năm 2023, tại xã Tân Hóa đã có gần 620 căn nhà nổi, đảm bảo 100% các hộ dân có thể thích ứng, an toàn và sống chung với lũ. Toàn bộ 620 căn nhà nổi này được các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân tài trợ 100% kinh phí để xây dựng.

ve-dep-cua-vung-ron-lu-duoc-the-gioi-vinh-danh (7).JPG
Bên trong các homestay được thiết kế với không gian rộng rãi và tiện nghi

Ngày nay, người dân Tân Hóa đã thích ứng với thời tiết, họ sống chung với lũ một cách yên bình. Khi mùa mưa đến họ dự trữ thực phẩm, nước sạch trên nhà nổi đủ 7-10 ngày. Không còn cảnh chạy lũ hay chờ cứu trợ mỗi khi có lũ về như những năm trước đây.

Đặc biệt, sau khi Tân Hoá được định hướng phát triển theo mô hình làng du lịch thích ứng với thời tiết, những ngôi nhà nổi đã được trang bị và nâng cấp thành các homestay phục vụ khách du lịch có một không hai. Khi có lũ lụt xảy ra tại Tân Hóa, các homestay sẽ nổi lên để du khách có thể sinh hoạt bình thường.

“Từ khi có hoạt động du lịch, chúng tôi rất vui vì có thể làm việc và phục vụ du khách mỗi ngày trên tại quê hương của mình. Tôi hi vọng có nhiều du khách đến đây hơn để trải nghiệm vẻ đẹp và sự độc đáo của Làng du lịch Tân Hoá” anh Trương Xuân Hùng, chủ homestay Hùng Liên, rạng rỡ nói.

ve-dep-cua-vung-ron-lu-duoc-the-gioi-vinh-danh (13).jpg
Mâm cơm gồm các món ăn đặc trưng của làng Tân Hoá như cơm Pồi, rau khoai, ốc tực, nộm hoa chuối rừng, cà lào…

Những năm gần đây, Công ty Du lịch Chua Me Đất (Oxalis) cùng với chính quyền xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa và Sở Du lịch Quảng Bình cũng xây dựng chiến lược phát triển từng bước vững chắc cho Tân Hóa.

Đáng kể đến nhất là việc đưa người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch đến việc từng bước đưa người dân làm chủ các dịch vụ mà họ cung cấp cho khách du lịch, trở thành trung tâm du lịch trọng điểm phía tây bắc Quảng Bình.

ve-dep-cua-vung-ron-lu-duoc-the-gioi-vinh-danh (4).JPG
Hình ảnh người dân thường đi cắt cỏ để dùng làm thức ăn cho những chú trâu

Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Oxalis cho hay, doanh nghiệp đã từng bước xây dựng sản phẩm du lịch khám phá hệ thống hang động Tú Làn, sản phẩm tour lái xe mô tô địa hình khám phá rừng lim và các sản phẩm khác nhằm từng bước đa dạng hóa các dịch vụ dành cho khách du lịch.

“Nơi đây cũng được đầu tư bài bản trong công tác quảng bá thông qua báo chí trong và ngoài nước giới thiệu về Tú Làn, Tân Hóa hay các bộ phim “bom tấn” quay tại Tân Hóa như “Kong: Skull Island”, “Người bất tử”, “Truyền thuyết về Quán Tiên”, ông Nguyễn Châu Á nói thêm.

ve-dep-cua-vung-ron-lu-duoc-the-gioi-vinh-danh (11).JPG
Ông Trương Xuân Đô - Người cả đời chăm sóc, giữ rừng lim quý cho Tân Hoá

Bên cạnh các giá trị về văn hóa, lịch sử, vẻ đẹp thiên nhiên, người dân Tân Hóa còn có những trải nghiệm hết sức khác biệt cho du khách như: Trải nghiệm công việc làm nông, ăn uống tại nhà dân, quầy hàng lưu niệm và nhiều dịch vụ đa dạng khác dành cho khách du lịch.

“Cảm ơn chính quyền địa phương, công ty Oxalis đã tạo điều kiện để tôi được học hỏi và làm du lịch ngay tại làng quê mình. Đời sống gia đình và việc nuôi dạy con cái nay cũng được tốt hơn rất nhiều”, chị Trương Thị Lư, Chủ hộ cung cấp dịch vụ ăn tối tại nhà dân nói.

ve-dep-cua-vung-ron-lu-duoc-the-gioi-vinh-danh (12).jpg
Khung cảnh nên thơ của làng Tân Hoá khiến nhiều du khách xao xuyến
ve-dep-cua-vung-ron-lu-duoc-the-gioi-vinh-danh (5).JPG
Một em bé người Tân Hoá vẫy chào khi bắt gặp chúng tôi

Còn theo ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hoá cho hay, Tân Hoá từ một vùng “rốn lũ” nay là làng duy nhất của Việt Nam được vinh danh là một trong những làng du lịch tốt nhất thế giới thực sự là niềm tự hào. Từ đó, người dân sẽ cùng chung tay, chung sức gìn giữ, phát huy giá trị này cho thế hệ mai sau.

Cuối năm 2022, qua tham khảo thực tế tại Tân Hóa, đại diện Tổng cục Du lịch đề nghị Tân Hóa tham gia giải thưởng “Best Tourism Villages” của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO). Ngày 18/10, trong khuôn khổ Đại hội lần thứ 25 của Hội đồng cấp cao UNWTO, tại Samarkand (Uzbekistan) đã tổ chức đêm Gala công bố các ngôi làng du lịch đoạt giải Làng du lịch tốt nhất năm 2023, trong đó có làng du lịch Tân Hóa của Việt Nam. Tân Hóa là làng duy nhất của Việt Nam được UNWTO bầu chọn trong danh sách 260 làng đến từ 60 quốc gia tham gia dự giải thưởng năm nay.

Đọc thêm