Vũng Tàu đưa hàng rong Bãi Sau vào chợ du lịch

Công trình chợ du lịch Vũng Tàu vừa được khởi công xây dựng tại khu đất phía sau khách sạn The Imperial Vũng Tàu (khu vực Bãi Sau, đường Thùy Vân). Dự kiến công trình hoàn thành vào cuối tháng 12-2012. Theo kế hoạch của UBND TP Vũng Tàu và Công ty Cổ phần Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa-Vũng Tàu (Busadco, chủ đầu tư), từ quý II-2012, sau khi một phần chợ được xây dựng, các gian hàng rong tại Bãi Sau sẽ được để đưa vào kinh doanh trong chợ.

Lo lắng phí kinh doanh

Nhiều người bán hàng rong cho biết họ ủng hộ chủ trương của TP dù phải thay đổi hình thức kinh doanh. Điều băn khoăn nhất là phí kinh doanh trong chợ du lịch có thể vượt quá khả năng của họ.

Chị Võ Thị Hai, quê ở Đà Nẵng, sinh sống và bán hàng lưu niệm tại Bãi Sau đã nhiều năm. Do điều kiện khó khăn, chị chỉ bỏ đồ lên xe đạp và chở đi bán dạo, ngày kiếm được vài chục ngàn đồng nuôi hai con ăn học. “Đưa hàng rong vào chợ thì TP, bãi biển sẽ sạch đẹp hơn. Tôi chỉ lo lắng phí chỗ ngồi bán vượt quá khả năng của mình. Nếu không đủ tiền vào chợ, tôi không biết phải xoay xở thế nào để nuôi gia đình”.

Hiện dọc Bãi Sau có trên dưới một trăm xe đẩy bán đồ mỹ nghệ, chưa kể quán nước, hàng ăn. Để có được chỗ bán vào ban đêm, chủ các xe đẩy phải đóng phí hằng tháng cho các hợp tác xã. Chị Nguyễn Thị Tuyết, quầy số 1, ngành hàng mỹ nghệ thuộc HTX Du lịch Dịch vụ Thắng Tam, cho biết mọi người đều ủng hộ chuyện tổ chức lại kinh doanh ở Bãi Sau. Nhưng ngoài chuyện phí kinh doanh, điều họ băn khoăn nữa là vị trí đặt chợ khá xa bãi tắm nên sẽ có ít du khách vào chợ mua sắm, ăn uống.

Vũng Tàu đưa hàng rong Bãi Sau vào chợ du lịch ảnh 1

Những hàng rong bên đường tại khu vực Bãi Sau, TP Vũng Tàu sẽ được đưa hết vào chợ du lịch. Ảnh: TRÙNG KHÁNH

Sẽ bố trí gian hàng phù hợp

Pháp Luật TP.HCM đã đem những băn khoăn của người bán hàng rong trao đổi với ông Hoàng Đức Thảo, Tổng Giám đốc Busadco. Ông Thảo cho biết: Chợ du lịch sẽ có 564 gian hàng chia theo từng khu ẩm thực, thời trang, mỹ nghệ…, ngoài ra chợ còn có thêm khu vui chơi, sân khấu. Các gian hàng được bố trí từ bình dân tới cao cấp để phục vụ nhu cầu của du khách. Chủ đầu tư đã khảo sát kỹ tình hình buôn bán hàng rong, sắp tới sẽ có kế hoạch làm việc với TP và người dân để thống nhất phương án di dời. Người dân vào kinh doanh trong chợ chỉ phải đóng chi phí phù hợp.

Ông Trần Tuấn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết thêm: “Ngoài ẩm thực, chợ du lịch cũng sẽ chú trọng tới tổ chức các hoạt động biểu diễn, triển lãm, sự kiện. Một hệ thống xe điện cũng được hình thành để đưa đón du khách, người dân vào chợ ăn uống, vui chơi, mua sắm”.

Theo bà Trương Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, trước đây hoạt động du lịch tại Bãi Sau còn nhiều điểm chưa tốt. UBND TP đã giao Ban Quản lý Các khu du lịch TP có phương án tổ chức lại kinh doanh du lịch tại đây và việc đưa hàng rong vào chợ du lịch là một trong những biện pháp đó. “Tạm thời các điểm bán hàng rong vẫn được kinh doanh dưới khu vực biển. Sau khi chợ du lịch hoàn thành, chúng tôi sẽ phối hợp với chủ đầu tư kiên quyết đưa hàng rong vào chợ để không còn tình trạng buôn bán lộn xộn làm mất hình ảnh của TP” - bà Hường nói.

Sợ cảnh hàng ăn tại Bãi Sau

Điều khiến tôi khá phiền khi tới Bãi Sau là các hàng ăn uống, xe đẩy cùng các ghế, dù lấn hết chỗ dành cho du khách. Có người cho rằng ăn hàng tại biển là tiện lợi nhưng tôi không đồng ý bởi điều đó làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm. Việc sắp xếp những hàng ăn tại Bãi Sau vào chợ du lịch là rất tốt. Như vậy thì bãi biển sẽ đẹp hơn và chỉ đơn thuần là nơi để người dân vui chơi, tắm biển.

Chị PHẠM THỊ ÁNH, giáo viên huyện Tân Phú, Đồng Nai

TRÙNG KHÁNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm