Xứ Cùa là vùng đất đỏ bazan, trước đây khi cây công nghiệp chưa phát triển mạnh trên vùng đất này, cây chè xanh từng là loại cây chủ lực, tạo ra nguồn thu nhập cho bà con. Chính vì vậy, hiện nơi này còn lưu lại nhiều vườn chè xanh cao chót vót có tuổi đời cả trăm năm.
Những cây chè trăm tuổi, vẻ ngoài sần sùi, rêu phong bám xung quanh, có chiều cao hơn chục mét, đường kính gốc 20-30 cm. Muốn thu hoạch chè, người dân phải dùng than.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Cam Chính, cho biết hiện toàn xã có khoảng 10 hộ còn lưu giữ lại các vườn chè cổ thụ này.
Trung bình mỗi ký chè xanh bán được 6.000-7.000 đồng. Dù giá trị kinh tế của cây chè mang lại không cao so với các cây khác như tiêu, cao su... song nhiều hộ vẫn trân trọng công sức của thế hệ trước để lại nên giữ vườn cho đến hôm nay.
Ông Nguyễn Ngọc Ký (thôn Mai Lộc, xã Cam Chính) đang sở hữu vườn chè có tuổi đời gần 200 năm. "Đây như là món quà mà ông cha đã để lại cho con cháu. Nhiều người đã từng trả giá gần chục triệu đồng/gốc chè nhưng tôi quyết tâm không bán mà giữ lại cho con cháu sau này" - ông Ký nói.
Hiện vườn chè cổ giúp những gia đình có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. "Vì những cây chè này trồng không cần bón phân hay chăm sóc gì nhiều nên mỗi năm gia đình tôi thu hoạch khoảng 20 triệu đồng từ vườn chè" - ông Ký cho biết thêm.
Dù giá trị kinh tế của cây chè mang lại không cao so với các cây khác, song nhiều hộ dân ở đây vẫn trân trọng công sức của thế hệ trước để lại nên quyết tâm gìn giữ những vườn chè cổ thụ này cho đến ngày hôm nay.