Việc phát hiện các cây chè cổ ở khu vực này có giá trị rất lớn trong việc nghiên cứu về nguồn gốc cây chè ở Đại Từ nói riêng và tỉnh Thái Nguyên - vùng đất nổi tiếng với cây chè - nói chung. Ngoài ra các cây chè cổ còn có ý nghĩa trong việc lưu giữ, bảo tồn nguồn gen nhằm phát triển giống chè đặc sản ở địa phương.
Cây chè cổ được phát hiện tại dãy núi Hồng có đường kính
tới gần 1m, 1 người ôm không xuể
Các cây chè cổ này sinh trưởng ở khu vực rừng già, ở độ cao hơn 850 m so với mực nước biển. Do khu vực rừng Lưu Quang cách xa khu dân cư, đi lại khó khăn, có rất ít người dân qua lại nên các cây chè cổ vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Một số cây có đường kính gần 1m và chiều cao hơn 20m. Sau khi hái thử một số búp để thưởng thức, vị chè cổ có hương thơm như giống chè Bát Tiên... Huyện Đại Từ đã lấy mẫu giống các cây chè cổ ở Minh Tiến và gửi Viện chè Trung ương để nghiên cứu xem những cây chè này thuộc giống chè trung du hay chè tuyết; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho tổ bảo vệ và quản lý và bảo vệ những cây chè cổ này; đồng thời có kế hoạch tiếp tục sưu tầm và xây dựng vườn chè cổ nhằm thu hút du khách tham quan, thưởng thức các loại chè ngon của địa phương, tạo thêm một sản phẩm du lịch đặc sắc cho Festival Trà quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên vào cuối năm nay.
Theo Hoàng Thảo Nguyên (DT/ TTXVN)