Vượt cạn ở Trường Sa

Cô bé tên là Hồ Song Tất Minh (tên thường gọi ở nhà là Bé Tư), sinh ngày 16-5-2009 tại xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, Khánh Hòa. Sự ra đời của bé là sự kiện của xã đảo này.

Sự kiện của cả đảo

Mẹ của bé là chị Trương Thị Liên kể: “Khoảng 6 giờ sáng hôm đó, khi cảm thấy triệu chứng chuyển dạ, tôi được đưa lên Trạm xá xã đảo Song Tử Tây cách nhà ở vài trăm mét.

Những cơn đau bụng bắt đầu chỉ kéo dài độ năm, mười phút rồi dứt nhưng càng về sau cơn đau càng dồn dập do thai nhi quấy đạp mạnh mẽ hơn. Có đến hai bác sĩ và năm y sĩ túc trực tại trạm xá để thay phiên nhau chăm sóc, theo dõi mỗi nhịp tim mạch lên xuống trong người tôi và của cả thai nhi, truyền nước… Các y, bác sĩ còn luôn ở gần để trò chuyện giúp tôi quên sự căng thẳng, lo âu trước và trong khi lên nằm trên bàn đẻ. Cứ thế thời gian trôi qua khá nhanh. Đến trưa cùng ngày, các thầy thuốc đã đỡ đẻ cho tôi thành công. Con gái của tôi cất tiếng khóc chào đời, cân nặng hơn 3,5 kg. Tôi đẻ thường, không phải đẻ mổ nên chẳng cần khâu một mũi kim nào…”.

 Tác giả (ở giữa) và đôi vợ chồng sinh con ở đảo Trường Sa.

Hỏi cảm giác lần đầu tiên sinh con ở đảo với ngàn trùng sóng gió, chị nói thật lòng là mình vô cùng đầy đủ và vô cùng hạnh phúc! Theo chị Liên, chính vì định cư ở đảo xa cách đất liền, lại là nơi dễ gắn bó tình cảm gấp bội lần bình thường giữa những người láng giềng với nhau và giữa người dân với người lính. Từ lúc mang thai đến khi sinh con, cả xã đảo hầu như ai cũng biết tin và thay nhau đến hỏi thăm chị mỗi ngày.

Định kỳ hằng tuần, hằng tháng, chị được đến trạm xá xã để các bác sĩ, y sĩ thăm khám thai miễn phí theo chế độ chăm sóc y tế của nhà nước đối với người dân ở hải đảo xa bờ. Thời kỳ dưỡng thai, chị Liên luôn được cung cấp đủ các mặt hàng thực phẩm thiết yếu từ đất liền đưa ra đảo như thịt, trứng, sữa, đường… Rau xanh thì ở nhà riêng vợ chồng chị cũng trồng được quanh năm, đôi khi còn phân phối cho những hộ gia đình lân cận khác. Đến sau giờ sinh nở mẹ tròn con vuông, chị lưu trú ở trạm xá xã một tuần, viện phí được nhà nước bao cấp hoàn toàn.

Bé Tư trong vòng tay của ba mẹ và bà ngoại ở đảo Bình Ba, Cam Ranh, Khánh Hòa.

Cục vàng của ngoại

Cha của bé, anh Hồ Dương, kể: Lúc Bé Tư mấy ngày tuổi đã có một đoàn công tác của bác sĩ, y sĩ từ Hà Nội ra khám bệnh, cấp phát thuốc cho quân dân xã đảo Song Tử Tây. Trưởng đoàn là bác sĩ Đỗ Tất Cương, Phó Giám đốc bệnh viện quân đội ở Hà Nội, đặt tên khai sinh cho Bé Tư và được vợ chồng chúng tôi đồng ý ngay với tên là Hồ Song Tất Minh. Bác sĩ giảng nghĩa họ Hồ là họ của người cha rồi. Tên đệm Song là tên chữ đầu của đảo nơi sinh ra - đảo Song Tử Tây. Cuối cùng Tất Minh là xuôi theo dòng tên của bác sĩ Tất Cương với những tình cảm đặc biệt nhất.

Những ngày chính thức nhận tên công dân nước Việt Nam - công dân Hồ Song Tất Minh là những tháng ngày thường xuyên nhận được điện, thư chúc mừng, quà tặng của nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang… từ trong quần đảo Trường Sa và từ đất liền gửi ra. Đã hơn 12 năm thành hôn với nhau, vợ chồng anh Dương - chị Liên chưa nhận thấy có lúc nào được nhiều niềm vui nhất như lúc sinh Bé Tư.

Vừa đi biển dài ngày từ Trường Sa về, Bé Tư vẫn hiếu động, bụ bẫm.

Không phụ lòng yêu quý của bao người, Bé Tư - Hồ Song Tất Minh thích nghi nhanh với điều kiện khí hậu, thời tiết ở đảo xa, tốt ăn, tốt ngủ, hay cười và lớn lên thấy rõ từng ngày. Tết Canh Dần về thăm quê ngoại ở đảo Bình Ba, Cam Ranh, Bé Tư đã cân nặng lên hơn 8,5 kg. Bà ngoại của Bé Tư nay tuổi đang chớm cổ lai hy, đã không giấu nổi cảm xúc: “Mừng ơi là mừng. Hồi giờ chỉ nghe điện thoại vợ chồng nó nói cuộc sống ở Trường Sa khá ổn định, không thiếu thốn gì, tôi đã mừng rồi. Giờ tụi nó bồng thêm đứa con gái sinh ra ở Trường Sa về, trông bụ bẫm, ai cũng muốn nựng nịu, tôi càng mừng nhiều lắm, không kể hết. Nếu chăng có ai đó cho tôi cục vàng, tôi không mừng bằng vợ chồng nó cho tôi đứa cháu ngoại Bé Tư này…”.

Sau tết, vợ chồng anh Dương - chị Liên bồng Bé Tư về lại đảo Song Tử Tây. Ở đó đã có căn nhà xây kiên cố nằm trên diện tích đất khoảng 200 m2. Anh Dương tiếp tục với công việc hằng ngày là hợp đồng nấu cơm cho bộ đội trên đảo, vợ anh nuôi con, lo việc nội trợ và phụ giúp công việc với chồng. Giờ rảnh rỗi, họ gửi con cho láng giềng để lên thuyền thúng ra biển câu cá, câu mực về cải thiện bữa ăn gia đình. Không phải lo xóa đói giảm nghèo, vợ chồng anh Dương - chị Liên đã có thu nhập tích lũy cho tương lai khi Bé Tư - Tất Minh lớn lên, trưởng thành nơi quê hương Trường Sa mênh mông trời biển này.

Cấp cứu ở Trường Sa

Làm việc trên đảo, ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, cứu chữa cho bộ đội, nhân dân trên đảo, các thầy thuốc còn có trách nhiệm chăm sóc ngư dân đánh cá vãng lai. Đã có những ngư dân do lặn sâu bị viêm phổi, liệt nửa người được cứu chữa, bình phục.

Có trường hợp nhân viên của hải đăng đảo Đá Lát, thuộc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải ăn phải cá nóc, bị ngộ độc nặng, được đưa đến quân y đảo này trong tình trạng đau bụng dữ dội. Tại đây, anh được tàu hải quân trực chiến đưa về ngay đảo Trường Sa Lớn. Đến nơi, bệnh nhân đã ở trong tình trạng rất xấu, bụng chướng lên, toàn thân gần như tím tái. Quân y trên đảo liên lạc với BV Quân y 175 ở TP.HCM yêu cầu giúp đỡ. Ngay sau đó, điện thoại từ phòng mổ trên đảo Trường Sa Lớn đã được kết nối với những bác sĩ giỏi của BV 175. Thiếu úy, y sĩ Nguyễn Đình Vượng tiến hành gây mê và bác sĩ Đinh Ngọc San, tổ trưởng quân y của đảo Trường Sa Lớn, đã phẫu thuật khẩn cấp, mở ổ bụng của nạn nhân, giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Mấy ngày sau, khi bệnh nhân đã hồi tỉnh, Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải đã thuê máy bay trực thăng đưa vào BV Chợ Rẫy điều trị tiếp cho đến khi bình phục.

Ngư dân Đỗ Văn Phúc quê ở Quảng Ngãi đang ra khơi đánh bắt ở vùng biển Trường Sa bỗng ôm bụng quằn quại và được đưa đến đảo Trường Sa Lớn. Sau khi chẩn đoán bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp, quân y đã lập tức phẫu thuật. Khi đã cắt xong đoạn ruột thừa mưng mủ sắp vỡ, các y, bác sĩ thở phào nhẹ nhõm vì chỉ chậm thêm một chút nữa thôi là tính mạng anh Phúc khó được bảo toàn...

LN tổng hợp

VĂN VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới