Vượt qua bóng tối

Không chỉ nhiều khách tham quan, tiếng trống nhạc rộn ràng, cờ hoa mà nó còn náo nhiệt bởi những tiếng lộc cộc của gậy trắng, tiếng cười nói của rất nhiều học sinh (HS) khiếm thị. Không đặc biệt sao được bởi đây là lần đầu tiên nhà trường được tổ chức lễ triển lãm ảnh, những bức ảnh chụp chính cô trò trường mình.

Với tên gọi “Vượt qua bóng tối”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong đã trở thành thành viên quen thuộc với HS và đội ngũ giáo viên nơi đây khi tới lui chụp ảnh trong suốt gần hai năm liền (từ tháng 9-2012 đến tháng 3-2014).

Những bức ảnh của anh không cầu kỳ, chỉ hai màu trắng đen nhưng mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. 108 bức ảnh là 108 góc nhìn về cuộc sống muôn màu của các em HS, công việc không mệt mỏi của giáo viên, từ đó nói lên bao nghị lực phi thường của HS, tình yêu thương bao la của mỗi thầy cô dành cho những học trò kém may mắn.

Câu chuyện về em Thanh Hiếu được đính trang trọng tại buổi triển lãm đã nói lên tất cả. Đó là nghị lực vượt qua bóng tối của đôi mắt để tìm thấy ánh sáng trong cuộc sống. Em sinh năm 2001 chỉ với 800 g. Em không được nhìn thấy ánh sáng vì mắc bệnh võng mạc của trẻ sinh non khi mới được sáu tháng tuổi. Năm hai tuổi, sau hai cơn sốt co giật, chứng bại não đã khiến em không thể nói, không thể đi và không thể sử dụng đôi tay của mình nữa. Lời em phát ra chỉ là những tiếng ú ớ, không ai hiểu nên thế giới của em chỉ gói gọn trong góc giường với vài món đồ chơi ít ỏi. Tưởng chừng tuyệt vọng nhưng trong một lần gọi lên tổng đài 1080, cha mẹ Hiếu đã biết đến Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Em đã được học ngôn ngữ, tập nói và giao tiếp nhiều hơn, em được tập vật lý trị liệu, học âm nhạc, học cách đi lại an toàn…

Giờ đây em đã trở thành cô bé lớp 2A1 có thể độc lập trong nhiều hoạt động, dù chỉ là những việc nhỏ bé như đánh răng rửa mặt, tự xách balo, giúp mẹ lấy hành, phụ mẹ quét nhà… nhưng với em là cả một thế giới đang mở ra.

Chính trường học đã thắp cho em ngọn lửa, ngọn lửa của sự hiểu biết, của tình thầy trò, ham học hỏi và nghị lực của chính em đã giúp em vượt qua bóng tối không may mắn ấy.

Mỗi bức ảnh tại buổi triển lãm như là một câu chuyện đầy xúc động như thế. Nói như bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, tại buổi lễ: “108 bức ảnh này là một bản báo cáo về hoạt động của nhà trường đặc biệt nhất trong tất cả bản báo cáo về công tác chăm sóc, giáo dục trong trường học. Nó đã tái hiện được nghị lực vươn lên, sự trưởng thành của các em trong cuộc sống. Nó tái hiện được công sức lao động không mệt mỏi của thầy cô và là thành tích lớn nhất mà trường đạt được. Đó là tình cảm, là sự cảm nhận tinh tế của tác giả đến với các em kém may mắn”.

PHẠM ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm