UBND TP.HCM vừa có thông báo gửi ác đơn vị liên quan về một số nội quan trọng sau buỗi làm việc với đoàn công tác của WB về dự án tiêu thoát nước và cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.
Trước đó, ngày 17-3, tại buổi làm việc với UBND TP, đại diện WB đề nghị phía TP.HCM nên xem xét, có chính sách hỗ trợ thêm cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, nhằm giảm thiểu khoảng cách với khung chính sách của TP với WB.
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được Ngân hàng thế giới cho vay khoảng 400 triệu USD. Ảnh: TRUNG THANH
Tuy nhiên, do WB chỉ mới tham gia vào dự án (tài trợ vốn) từ tháng 3-2014 nên đơn vị này chỉ có thể xem xét hỗ trợ theo hướng tăng thêm tiền cho 439 trường hợp bị ảnh hưởng còn lại của dự án từ giai đoạn 1.
Tại buổi làm việc trên, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP bày tỏ quan điểm của nhất quán của TP là muốn người dân sau khi giải tỏa di dời có cuộc sống tốt đẹp hơn. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư phải được thực hiện công khai minh bạch, đúng pháp luật Việt Nam.
Về việc tăng mức hỗ trợ cho người dân, lãnh đạo UBND TP đề nghị WB nên có thư gửi UBND TP, nêu rõ khung chính sách cho 439 trường hợp nêu trên. Sau đó hai bên sẽ cùng rà soát về sự khác biệt trong công tác bồi thường giải tỏa của TP so với khung chính sách của WB.
Khu vực quận Bình Tân, công tác giải phóng mặt gặp nhiều khó khăn do nhiều người dân bị ảnh hưởng không đồng tình với mức bồi thường hỗ trợ di dời. Ảnh: KB
Tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có chiều dài hơn 32 km, chạy qua nhiều quận, huyện như Bình Chánh, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, quận 12, Gò Vấp. Đây là tuyến kênh dài nhất TP.HCM hiện nay.
Dự án tiêu thoát nước và cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có mức đầu tư rất lớn, chia làm nhiều giai đoạn. Trong đó, WB cho TP.HCM vay 400 triệu USD.
Địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dự án trên là quận Bình Tân, với khoảng 2.300 hộ dân phải giải tỏa, di dời.