Ông Sudhir Shetty, Kinh tế trưởng của Ngân hàng tại Đông Á - Thái Bình Dương, cho biết cốt lõi của sự khởi sắc đó là chỉ số kinh tế vĩ mô căn bản đã được cải thiện, FDI tăng vững chắc và môi trường kinh doanh đã có những cải cách quan trọng. Tỷ lệ nghèo tiếp tục giảm đáng kể, tới mức độ nghèo cùng cực hầu như đã được xóa bỏ. Tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn phát triển dưới mức tiềm năng, do sự ì ạch trong cải cách cơ cấu, đặc biệt trong khu vực ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và sự bất trắc trên toàn cầu.
Hơn nữa Việt Nam phải đối mặt với nhiều câu hỏi quan trọng như làm thế nào để kiềm chế mức nợ công đang tăng lên để chứng tỏ quyết tâm cao hơn trong việc thực hiện chương trình cải cách đầy tham vọng của Chính phủ (đặc biệt trong khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước) và làm thế nào để đảm bảo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong nước.
Nợ công Việt Nam gia tăng đang trở thành mối quan ngại của Chính phủ. Nợ công tăng chủ yếu do nhu cầu bù đắp thâm hụt ngân sách, phần lớn huy động từ nguồn vốn nội địa. Tổng dự nợ công và nợ được bảo lãnh công là 61% GDP tính đến cuối năm 2014, trong đó nợ trong nước tăng 23% GDP năm 2010 lên 32% năm 2014. Các vụ nợ dự phòng trong khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước đang gia tăng áp lực đối với sự bền vững nợ công.
Cũng theo WB, Việt Nam đã nỗ lực giảm nghèo. Năm 2012, 2,9% dân số ở mức nghèo cùng cực (sống dưới 1,25 USD một ngày tính theo sức mua tương đương). Con số này dự kiến sẽ giảm xuống 1% trong năm 2017.
Ngoài ra, WB cho rằng trong số 9 quốc gia Đông Á gồm Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar Việt Nam là nước duy nhất có dự báo GDP được điều chỉnh theo xu hướng tăng 6,0% trong năm 2015, (năm 2014 5,5%).