Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tập trung vào chuỗi giá trị của thịt heo và rau ăn lá để tìm các nguy cơ an toàn thực phẩm (ATTP) tại Việt Nam, thời gian thực hiện nghiên cứu là từ tháng 8-2016 đến tháng 2-2017.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ công bố.
Theo báo cáo, hiện Việt Nam có khoảng 80% thịt heo và 85% rau được bày bán tại các chợ bán lẻ truyền thống và những người sản xuất nhỏ chiếm ưu thế trong chuỗi giá trị, trong đó 76% heo được giết mổ trong các cơ sở nhỏ lẻ với điều kiện vệ sinh kém.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ rõ hiện có bằng chứng khoa học cho thấy ô nhiễm thực phẩm ở Việt Nam tương đối phổ biến. Nhiều nghiên cứu cho thấy mức độ nhiễm mối nguy sinh vật như salmonella trong thực phẩm nói chung và thịt heo nói riêng vẫn còn tương đối cao (tương ứng 30%-40%).
Tại báo cáo, Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại kháng sinh tràn lan trên diện rộng cũng tăng nguy cơ để lại tồn dư trong thực phẩm với nồng độ gây hại ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Ngoài ra, theo Ngân hàng Thế giới, một số chất kích thích tăng trưởng, chất cấm trong chăn nuôi cũng được sử dụng làm chất tạo nạc vẫn tương đối phổ biến, chưa kể nhiễm bẩn kim loại nặng và các chất hữu cơ bền vững trong môi trường, trong đó có dioxin cũng được ghi nhận tại một số địa phương.
Cũng tại lễ công bố, ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng đại diện Đông và Đông Nam Á, thuộc Viện Chăn nuôi Quốc tế, cho biết: Có một thực trạng là người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận trả đắt hơn 5%-10% để mua được thực phẩm an toàn. Tuy nhiên thực tế là hiện thực phẩm sạch và thực phẩm không an toàn tại Việt Nam rất khó phân biệt.
Về quản lý ATTP, theo Ngân hàng Thế giới, dù có rất nhiều nguồn lực và hoạt động đảm bảo ATTP đã được phân cấp xuống tỉnh, huyện, xã, phường, tuy nhiên tương tự tình trạng chung của nhiều quốc gia đang phát triển khác, hiện vẫn còn một khoảng cách lớn giữa việc ban hành và thực thi pháp luật.
Với những tồn tại nêu trên, Ngân hàng Thế giới khuyến cáo nhà quản lý Việt Nam nên áp dụng hình thức tự kiểm tra, kiểm soát các mối nguy sinh học phổ biến ngay tại trang trại, nơi sản xuất thay vì áp dụng hình thức thanh tra - xử phạt đối với ATTP mà các quốc gia khác trên thế giới đã bỏ từ lâu…
Tại lễ công bố báo cáo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương và ghi nhận nỗ lực của Ngân hàng Thế giới và cho rằng những khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới đưa ra khá phù hợp.
Phó Thủ tướng cho biết hiện để quản lý ATTP, có ba bộ là Y tế, NN&PTNT và Công Thương, chỉ cần mỗi bộ làm tốt chức năng của mình thì việc quản lý ATTP đã được thực hiện cơ bản.
“Ngoài việc nâng cao công tác quản lý, chúng ta phải tuyên truyền người dân tuân thủ sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm đúng luật. Hiện chúng ta chưa có thói quen dựa vào bằng chứng, do vậy việc cần làm ngay lúc này là tại mỗi chợ, các cơ sở kinh doanh… phải có phương tiện lưu động kiểm tra nhanh các chỉ tiêu về ATTP để có khuyến cáo tới cộng đồng…” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.