ASEAN đăng cai World Cup 2034: Suất chủ nhà chọn ai bỏ ai?
Mục tiêu lập kế hoạch cụ thể, hướng đến quốc gia nào có đội bóng đại diện, quốc gia nào kiêm nhiệm khâu tổ chức là chủ đề thảo luận tại Hội nghị Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) diễn ra hôm 8-11 tại Hà Nội.
ASEAN và FIFA ký ghi nhớ hợp tác phát triển bóng đá Đông Nam Á tại Bangkok Thái Lan. Ảnh: REUTERS
Tham dự cuộc họp này, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn chia sẻ: “Các quốc gia ASEAN đã tích cực thảo luận đến chiến dịch chạy đua đăng cai World Cup 2034. Sẽ còn rất nhiều cuộc họp nữa để quyết định sẽ có bao nhiêu quốc gia đồng đăng cai, từ đó quyết định các suất tham dự World Cup 2034.
Vấn đề quan tâm nhất của AFF là các suất vào thẳng VCK World Cup sẽ dành cho các quốc gia đồng đăng cai nào. Cho nên quy trình, phương thức nhằm lựa chọn những quốc gia có đội bóng đại diện, quốc gia không có đại diện tranh tài nhưng muốn tổ chức để quảng bá du lịch… sẽ được quyết định như thế nào? Đây là vấn đề lớn nhất mà ASEAN quan tâm, cần có thời gian bàn thảo thật kỹ lưỡng mới có thể thống nhất được”.
Đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018. Ảnh: CTV
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Bangkok Thái Lan, ASEAN và FIFA đã ký cam kết ghi nhớ chung, thúc đẩy hợp tác về thể thao giữa hai đơn vị thông qua bóng đá.
Dự kiến tại World Cup 2034, số lượng đội tham dự VCK sẽ tăng từ 32 lên 48 quốc gia. Đấy vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với cuộc chạy đua đăng cai của khối ASEAN.
Hậu vệ đội tuyển thủ quốc gia Phạm Xuân Mạnh (phải) trong màu áo CLB SL Nghệ An dự V-League. Ảnh: VPF
SL Nghệ An nguy cơ bị loại khỏi V-League mùa sau
CLB về đích thứ 4 V-League 2019, SL Nghệ An đối diện nguy cơ không được dự tranh giải VĐQG mùa sau do chưa đáp ứng đủ các tiêu chí về một CLB chuyên nghiệp.
Theo đề xuất cấp phép của BTC giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đệ trình lên VFF, ngoài SL Nghệ An còn có thêm ba CLB gồm Hải Phòng, Thanh Hóa, Nam Định chưa đủ điều kiện tham dự V-League 2020.
CLB SL Nghệ An nhiều năm liền đối diện khó khăn kêu gọi tài trợ. Ảnh: VPF
Cụ thể, các tiêu chí chưa được đội bóng xứ Nghệ đáp ứng bao gồm các điều khoản: CLB không nộp các tài liệu chứng minh thanh toán các khoản nợ thuế mà trước đó CLB đã cam kết thực hiện; dù đã cam kết công bố nhà tài trợ nhưng CLB không nộp các tài liệu chứng minh khả năng tiếp tục hoạt động trong tương lai; Ánh sáng sân Vinh quá yếu, trung bình chỉ đạt 382 lux trong khi yêu cầu tối thiểu chiếu sáng mặt sân là 900 lux.
Nhằm chấn chỉnh lại khâu quản lý các CLB bóng đá chuyên nghiệp, VFF sẽ siết chặt các tiêu chuẩn cấp phép cho CLB, buộc tất cả phải hoàn thiện ở mức cao nhất có thể.
Tuyển thủ Đoàn Văn Hậu cạnh tranh bóng với tuyển thủ Iran.
FIFA: Sức mạnh bóng đá Việt Nam xích lại gần với thế giới
Đó là phát biểu của phó TTK Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), Mattias Grafstrom về sự trưởng thành của bóng đá Việt Nam trong thời gian gần đầy.
Đại diện của FIFA đánh giá cao sự đầu tư của bóng đá Việt Nam không chỉ cấp độ đội tuyển, mà các đội trẻ nam; nữ cũng được quan tâm đầu tư phát triển.
Phó TTK FIFA, Mattias Grafstrom. Ảnh: REUTERS
Phó TTK FIFA Grafstrom chia sẻ: “Theo tôi, bóng đá Việt Nam nói riêng và bóng đá Đông Nam Á nói chung đang phát triển rất tốt. Sức mạnh của bóng đá Việt Nam đang xích gần lại hơn với các đội trên thế giới. Việt Nam có sẵn những nguồn lực phát triển từ các chuyên gia cũng như các CLB, đấy là gốc rễ để nâng tầm bóng đá. Sắp tới sẽ có thêm giải đấu cấp CLB khu vực. Đó là cơ hội tốt để các CLB nâng cao sự cọ xát và trưởng thành. Vấn đề này, FIFA sẽ quan tâm và hỗ trợ trong tương lai”.
Đối với bóng đá khu vực, phó TTK FIFA cũng nhấn mạnh: “Cơ quan quản lý bóng đá thế giới đang hướng về ASEAN. Bằng chứng là Indonesia sẽ đăng cai FIFA World Cup U-20 thế giới vào năm 2021. FIFA sẽ góp phần giúp các quốc gia khu vực tổ chức thêm các giải đấu tầm cỡ thế giới trong tương lai”.