Quan sát đời sống xã hội Việt Nam, có lẽ ai cũng dễ nhận thấy, trong số các vị Bộ trưởng của Chính phủ, thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) luôn nhận được sự quan tâm và kỳ vọng lớn nhất của người dân. Điều này dễ hiểu thôi bởi giáo dục gần như là lĩnh vực gắn liền với mọi gia đình.
Những ngày đầu mới nhậm chức của tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, với những phát ngôn đầu tiên của mình cũng đã phần nào khiến cho các bậc phụ huynh và giới giáo chức hi vọng khi ông thể hiện mong muốn làm cho người thầy trở lại với địa vị vốn có của mình trong đời sống xã hội. Đây là một mục tiêu đáng trân trọng và hi vọng trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng sẽ làm được. Nhưng kỳ vọng của người dân không chỉ có như vậy mà có lẽ còn nhiều hơn thế.
Một trong những điều mà chúng tôi cũng muốn “đặt hàng” cho Bộ trưởng là làm sao phải ổn định được việc thi cử trong suốt nhiệm kỳ của mình, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông quốc gia hàng năm. Quả vậy, nếu nhìn nhận lại một cách trung thực thì có lẽ Việt Nam là nước mà việc thi cử thường xuyên bị thay đổi nhất. Điều này gây nhiều khó khăn cho các gia đình, cho học sinh cũng như giáo viên vì họ không biết trước, không dự đoán trước được việc thi cử sẽ như thế nào để có định hướng giảng dạy cho phù hợp. Do vậy trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng hãy làm sao giảm tối thiểu những “điều chỉnh” trong việc thi cử, nhất là kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông hàng năm.
Một kỳ vọng khác đó là Bộ trưởng hãy làm sao cho giáo viên có thời gian để bồi bổ sức khỏe, tinh thần cũng như việc tự bồi dưỡng bản thân nhằm nâng cao hiệu quả của việc giảng dạy. Quả vậy, trong một thời gian dài, những người làm nghề giáo gần như phải làm việc rất vất vả vì ngoài việc soạn giáo án, giảng dạy, chấm bài thì họ còn phải đảm nhận thêm rất nhiều việc không tên khác chẳng hạn như thu tiền “xã hội hóa”. Kèm theo đó, giáo viên còn phải tham gia các phong trào thi đua vốn chỉ mang tính hình thức chứ không mang lại ý nghĩa thực sự cho việc làm nghề. Vì vậy chúng tôi mong đợi Bộ trưởng hãy làm sao “cởi trói” cho giáo viên khỏi những sự việc “ngoài sư phạm” để giáo viên có nhiều thời gian hơn cho việc tự nâng cao chuyên môn của bản thân.
Đồng thời Bộ cũng không nên đặt ra các loại chứng chỉ và buộc giáo viên phải tốn tiền và thời gian để học. Những chứng chỉ ấy sẽ không làm tăng thêm năng lực sư phạm của giáo viên mà chỉ phục vụ cho những qui định hành chính mà thôi nhưng lại gây ra nhiều sự mệt mỏi cho giáo viên.