‘Ba mẹ giữ sức khỏe, hẹn ra Tết hết dịch, con và cháu sẽ về’

Chiều cuối năm, hương Tết đã tràn về khắp con ngõ nhỏ Phan Văn Định, phường Hoà Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Đầu ngõ, một vài gia đình đang đốt vàng mã, cúng tất niên, những đứa trẻ cũng tíu tít nô đùa quanh ngõ.

Ông Nguyễn Thanh Dũng (Tổ trưởng Tổ tự quản số 1) tất bật đi từng khu trọ để hỏi thăm, động viên các gia đình không về quê ăn Tết.

“Sơ bộ có khoảng 37 người ở lại, chủ yếu là vợ chồng trẻ và có con nhỏ. Mọi năm chúng tôi thường làm thịt heo rồi chia cho từng nhà. Hai năm nay dịch bệnh nên không làm. Trước mắt, tổ đã chuyển tới họ những suất quà của công đoàn, tổ dân phố. Khoảng 28, 29 Tết, mọi người sẽ cùng nhau gói bánh chưng để những người xa quê vơi bớt nỗi nhớ nhà”- ông cho hay.

Cháu một tuổi vẫn chưa được gặp ông bà do dịch

Trong phòng trọ nhỏ, chị Dương Thị Mai (39 tuổi, quê Hà Tĩnh) vừa lúi húi xếp quần áo, vừa trông chừng đứa con nhỏ mới gần một tuổi. Mọi năm, cứ đến tầm này là vợ chồng, con cái chộn rộn mua sắm quà Tết, bánh kẹo, quần áo mới để về quê sum vầy với người thân. Năm nay, họ quyết định ăn Tết xa nhà. Từ khi chào đời đến nay, cháu bé cũng chưa được gặp ông, bà ngoài quê mà chỉ nhìn nhau qua Facebook. 

Do dịch bệnh phức tạp, vợ chồng chị Mai sẽ ở lại Đà Nẵng đón Tết Nguyên đán thay vì về quê như mọi năm. Ảnh: T.AN

Chị Mai chia sẻ, đi làm xa cả năm, Tết nhất ai chẳng muốn về với gia đình, mọi người cũng đang mong ngóng con cháu trở về. Ban đầu chị cũng tính đưa mấy đứa nhỏ về nhưng dịch căng quá nên vợ chồng thống nhất ở lại Đà Nẵng để giữ an toàn cho các con.

“Mấy ngày này ra đường thấy người thì sắm Tết, người thì háo hức về quê, mình ở lại nên cũng có chút tủi thân. Lúc gọi về thông báo thì gia đình cũng buồn lắm, sau ông bà cũng hiểu vì dịch bệnh như thế, lỡ mang dịch về sẽ ảnh hưởng đến nhiều người”- chị cho hay.

Ông Dũng trao tặng túi quà an sinh của Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng cho gia đình chị Mai. Ảnh: T.AN

Vợ chồng chị Mai đều là công nhân, lập nghiệp ở Đà Nẵng đến nay đã 14 năm. Vợ chồng chịu khó làm ăn, khéo chi tiêu thì cũng có đồng ra đồng vào. Từ khi dịch bệnh bùng phát ở các khu công nghiệp, thu nhập của họ giảm đáng kể nên cuộc sống thêm phần khó khăn. May mắn, thời điểm đó vợ chồng chị luôn nhận được sự đùm bọc, chia sẻ của chính quyền TP Đà Nẵng, từ chủ trọ, bác tổ trưởng đến những người hàng xóm tốt bụng. 

“Tôi đi làm ở nhiều nơi nhưng từ khi đến Đà Nẵng thì mới cảm nhận được hết tình người nơi đây. Hai năm qua thực sự rất khó khăn nhưng tôi luôn nhận được sự quan tâm của mọi người, thiếu gì thì họ hỗ trợ, san sẻ. Điều này khiến tôi cảm thấy ấm lòng và có cảm giác như đang sống ở quê hương mình vậy. Tôi yêu và cảm thấy biết ơn thành phố này rất nhiều” – chị cười.

Đơn thân nhưng không đơn độc

Cách phòng chị Mai không xa, chị Trần Thị Mỹ Lệ (sinh năm 1992, quê TP Đông Hà, Quảng Trị) đang ướm thử chiếc váy mới cho bé Sam, cô con gái mới hơn hai tuổi. Chị Lệ là mẹ đơn thân. Mọi năm, chị ráng làm thì còn có đồng ra đồng vào, có một chút mừng tuổi ba mẹ. Riêng năm nay, chị không gửi được con nhỏ do dịch bệnh nên mới chỉ sắm cho bé bộ đồ chứ chưa có gì nhiều.

"Ba mẹ lớn tuổi rồi, về nhà không có quà mừng tuổi ông bà thì em tủi thân. Tết này em trai em cũng ở lại Đà Nẵng do đang điều trị F0. Em đã báo trước để gia đình thôi trông ngóng, ba nghe thì im lặng còn mẹ thì chỉ khóc. Em không biết phải an ủi sao nữa”- chị Lệ xúc động. 

Chị Lệ mặc thử chiếc váy mới mua cho con gái. Ảnh: T.AN

Nghe vậy, ông Dũng liền tới bồng bé Sam rồi bảo, ông cũng có một người con đi làm xa nhà, không về được nên hiểu tâm trạng của những người làm cha làm mẹ mỗi khi Tết đến xuân về. Ai cũng thương con, mong con về sum họp nhưng dịch vẫn còn rất phức tạp, đi lại tàu, xe cũng nguy hiểm, nhất là với trẻ nhỏ.

"Tết ni hai mẹ con cứ yên tâm ở lại, có chi thì qua nhà chú. Ở quê có ba, có mẹ thì ở đây có hàng xóm, có tổ trưởng chứ lo chi. Mọi người cùng nhau san sẻ, qua nhà chú là vui ngay”- ông động viên.

Hai mẹ con chị Lệ gọi điện trò chuyện với người thân khi không thể về quê đón Tết cùng gia đình. Ảnh: T.AN

Chia sẻ với PV, chị Lệ tâm sự, dù là mẹ đơn thân nhưng chị cảm thấy không đơn độc vì thời gian qua luôn có sự quan tâm, chia sẻ của hàng xóm, chủ trọ và chú tổ trưởng. Mọi năm chị thường cùng cha mẹ dọn dẹp nhà cửa, đi chợ sắm tết, làm cỗ cúng tất niên rồi cả gia đình sẽ quây quần xem táo quân. Năm nay, hai mẹ con sẽ ở phòng trọ gọi điện cho gia đình, đi hỏi thăm, chúc Tết hàng xóm rồi về xem táo quân đêm giao thừa. 

"Không có gia đình bên cạnh thì chắc chắn sẽ có chút buồn, chút tủi. Chỉ mong ba mẹ đón Tết vui vẻ, con ở trong này vẫn khỏe, hai mẹ con không buồn đâu. Hẹn ra Tết hết dịch, con sẽ đưa cháu về thăm ba mẹ”- chị nhắn nhủ.

Theo bà Đinh Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng, hơn 1.000 lao động ngoại tỉnh sẽ ở lại Đà Nẵng đón Tết Nhâm Dần.

Trong tuần này, đơn vị sẽ tiếp tục trao quà đến các khu dân cư, đặc biệt là các khu trọ, kịp thời gửi những món quà đến lao động ngoại tỉnh không thể về quê đón Tết, nhất là những lao động trong khu phong toả giúp họ có một cái Tết thật sự ấm cúng.

Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng trao tặng các phần quà an sinh cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: T.AN 

Trước đó, Liên đoàn Lao động TP phối với các địa phương đã tổ chương trình “Xuân yêu thương” trao quà tặng công nhân, lao động nghèo không về quê ăn Tết. Các đơn vị đã trao hơn 1.200 suất quà Tết, mỗi suất trị giá từ 500.000 đến 1 triệu đồng tặng công nhân ở các Tổ tự quản, khu nhà trọ. 

Ngoài ra còn có chương trình “Tết không xa nhà”, “Phiên chợ Tết Công nhân”, “Chuyến xe công đoàn” đưa công nhân về quê đón Tết, hỗ trợ trên 20.000 suất quà Tết tặng người lao động hoàn cảnh khó khăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm