Bão số 8 gây thiệt hại gần 2.000 tỉ đồng

Hơn 40 người bị thương, 10.000 ngôi nhà, trường học bị tốc mái, hàng ngàn cột điện, cột thông tin, cây cối bị đổ gãy, hàng vạn hecta hoa màu, thủy sản bị hủy hoại… Thiệt hại ban đầu ước tính gần 2.000 tỉ đồng.

“Trung tâm đã đưa ra cảnh báo nguy hiểm trên cả một vùng rộng lớn từ Quảng Ninh đến Ninh Bình. Tuy nhiên, do bão số 8 rất mạnh, đường đi phức tạp nên đã gây ra thiệt hại nặng nề” - ông Bùi Văn Đức, Tổng Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nói.

Do chủ quan trong phòng, chống bão, Hải Phòng đã phải chịu thiệt hại nặng nề với 44 tàu thuyền chìm, gần 3.000 căn nhà bị tốc mái, hơn 12.000 ha lúa và hoa màu bị hư hại… Có một người chết, chín người bị thương, hai người mất tích. Hơn 1.500 cây xanh bị quật ngã ngổn ngang. Nhiều cột điện gãy đổ, gần như toàn bộ khu vực nội thành mất điện từ tối 28-10.

Sau khi bão tan, Công ty Điện lực Hải Phòng đã khẩn trương sửa chữa hệ thống cấp điện cho các trạm bơm để bơm tiêu thoát nước tại khu vực nội thành. Nhưng đến nay mới chỉ khắc phục được hệ thống điện cao thế. Đến trưa cùng ngày, nhiều tuyến đường đã hết ngập lụt. Dự kiến phải mất ba ngày mới hoàn tất việc dọn cây xanh bị đổ.

Theo UBND TP Hải Phòng, một số địa phương, đơn vị đã chủ quan trong phòng, chống bão, không thực hiện nghiêm chỉ đạo của TP. Các huyện Cát Hải, Bạch Long Vỹ và Kiến Thụy chưa thực hiện tốt việc sơ tán dân, dẫn tới thiệt hại về người.

Tại Thanh Hóa, do nằm gần vùng tâm bão đi qua nên các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc và TP Thanh Hóa có hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, vỡ kính. Hàng trăm hecta ngao đang trong thời kỳ thu hoạch bị thiệt hại nặng nề.

Còn ở Ninh Bình, ông Nguyễn Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết bão số 8 đã thổi bay 1.000 lều trại nuôi trồng thủy sản, hơn 200 ha nuôi ngao bị thiệt hại nặng. Tại vùng ven biển Kim Sơn và khu vực Bình Minh II, Bình Minh III, bão số 8 đã làm 320 lều trại bị giật đổ, gần 150 cột điện gãy.

Tại Nam Định, bão đã làm gãy đổ cột truyền hình cao 180 m cùng 500 cột điện cao thế. Có hai người bị chết do nhà sập và tai nạn trên sông; 5.000 ha lúa, hoa màu muộn bị hư hại, hàng ngàn hecta thủy sản bị ngập.

Lúc 20 giờ ngày 29-10, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thái Bình cho biết đã có ba người chết (hai tại TP Thái Bình, một tại huyện Thái Thụy), một người mất tích, 29 người bị thương, 6.000 ha lúa mùa bị đổ ngập, sáu tàu đắm, 1.400 chòi canh thủy sản bị sập đổ, 3.000 ha thủy sản vỡ bờ, hơn 6.700 ngôi nhà bị tốc mái, một cầu bị hư hỏng nặng…

Đ.TRUNG - H.HOÀNG - T.PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm