Ca tử vong do COVID-19 ở TP.HCM thấp nhất trong gần 6 tháng qua

Chiều 7-1, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo định kỳ về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Dự kiến mở rộng nhóm đối tượng nguy cơ

Thông tin tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, cho biết đến 18 giờ ngày 6-1, TP có 507.083 ca mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế công bố.

Hiện nay, TP.HCM đang điều trị cho 5.061 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 89 trẻ em dưới 16 tuổi, 319 bệnh nhân nặng đang thở máy và 18 bệnh nhân được can thiệp ECMO.

Một điểm đáng chú ý mà ông Phạm Đức Hải thông tin là số ca tử vong do COVID-19 liên tục giảm mạnh những ngày qua, chỉ còn 20 bệnh nhân tử vong ngày 6-1. “Số ca tử vong ngày 6-1 thấp nhất trong 175 ngày qua, tính từ ngày 16-7-2021 đến ngày 6-1-2022” - ông Hải nói. Tính đến nay, TP.HCM đã ghi nhận 20.070 ca tử vong do COVID-19.

Về tiêm vaccine phòng dịch COVID-19, đến ngày 6-1, TP.HCM đã tiêm mũi bổ sung là hơn 369.000 mũi và mũi nhắc lại là hơn 2 triệu mũi. Tổng cộng hơn 2,3 triệu liều vaccine mũi 3 đã được tiêm.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết đến hết tháng 1-2022, TP còn 4 triệu mũi cần tiêm. Trung bình mỗi ngày, TP.HCM tiêm gần 300.000 liều vaccine. Với tiến độ này, TP sẽ tiêm xong mũi nhắc cho người trên 18 tuổi trước tết Nhâm Dần 2022.

Về 25.000 người thuộc nhóm nguy cơ, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện đã tiêm được 13.874/25.333 liều cho nhóm này, đạt tỉ lệ 54,8%.

Nói về lý do chưa tiêm, bà Mai cho biết trong hai đợt xét nghiệm tầm soát nhóm này, TP.HCM phát hiện trên 5.000 F0, những người này chưa thể tiêm ngay mà phải chờ xuất viện. Còn một số người lại không đồng ý tiêm vaccine.

Do vậy, UBND TP.HCM có chỉ đạo các đơn vị rà soát người nào đủ điều kiện trong nhóm nguy cơ có thể tiêm thì tổ chức tiêm nhanh tại nhà. Ngày đầu đã tiêm được 400 mũi cho bà con tại nhà.

Lý giải thêm về việc này, ông Phạm Đức Hải cho biết có bốn lý do người thuộc nhóm này chưa tiêm vaccine: Người không muốn tiêm; trường hợp vì sức khỏe, đang điều trị nên bác sĩ không cho phép tiêm; người có bệnh nền và F0. Do vậy, TP.HCM đã chỉ đạo các địa phương tăng tốc, vận động nhóm nguy cơ tiêm vaccine.

Cũng theo ông Hải, TP.HCM vừa có quyết định từ ngày 15 đến 22-1 sẽ xét nghiệm tầm soát lần 3 cho nhóm đối tượng này. Vào tháng 2, TP sẽ xem xét mở rộng đối tượng nhóm người có nguy cơ cao. Nếu như trước đây từ 65 tuổi trở lên thì sẽ mở rộng đối tượng là người 50 tuổi trở lên có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm. Điều này thể hiện trách nhiệm của TP.HCM trong giảm ca lây nhiễm, giảm ca tử vong.

Bệnh nhân F0 phục hồi sức khỏe sau thời gian điều trị tại BV hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức). Ảnh: NGUYỆT NHI

Đang chuẩn bị kế hoạch thanh tra việc mua bán kit xét nghiệm

Tại họp báo, Pháp Luật TP.HCM đã đặt câu hỏi về tiến độ thanh tra, kiểm tra đột xuất việc mua bán, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR xác định COVID-19 tại một hoặc một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.

Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, cho biết hiện Thanh tra TP.HCM đang chuẩn bị kế hoạch để triển khai theo đúng chỉ đạo của UBND TP.

Chưa phát hiện ca nhiễm Omicron trong cộng đồng

Trả lời câu hỏi về tình hình của 11 bệnh nhân mắc biến chủng mới Omicron, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết đến hôm nay đã có sáu bệnh nhân xuất viện, còn năm ca nhiễm mới đang được điều trị tại BV dã chiến số 12.

Theo bà Mai, diễn biến bệnh của các ca nhiễm chủng Omicron này rất nhẹ, không có triệu chứng.

Cũng liên quan đến biến chủng mới Omicron, báo chí đặt câu hỏi về việc nếu có ca nhiễm Omicron ở cộng đồng thì HS có phải tạm dừng tới trường. Bà Mai khẳng định TP.HCM đang kiểm soát tốt ca nhiễm Omicron, chưa phát hiện ca trong cộng đồng. Các đối tượng đi kèm với 11 ca mắc Omicron đã được truy vết và xét nghiệm, qua nhiều ngày chưa phát hiện F1 dương tính.

“Trường học đã có bộ tiêu chí an toàn và được áp dụng nghiêm ngặt để HS đi học an toàn. Quy trình xử lý F0 cũng đang được áp dụng rất tốt trong trường học, đúng quy định và không có sự lây nhiễm trong cộng đồng” - bà Mai nói và mong phụ huynh yên tâm.

Tuần sau, học sinh quận 4 và huyện Củ Chi đi học lại

Trả lời câu hỏi của báo Pháp Luật TP.HCM về tình hình sau bốn ngày các khối lớp 7, 8, 10 và 11 đi học trực tiếp, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết tín hiệu vui là nhờ sự phối hợp của các cấp, ngành và địa phương nên học sinh (HS) đến trường đạt kết quả tốt. Cụ thể, tỉ lệ HS đến trường của khối lớp 7 là 92,4%; lớp 8 là 95,48%; lớp 10 là 95,85% và lớp 11 là 93,56%.

Riêng với quận 4 và huyện Củ Chi (hai địa phương chưa cho HS đến trường), ông Tân cho biết việc phối hợp với phụ huynh đã hoàn tất. Theo đó, ngành giáo dục nhận được hơn 90% sự đồng thuận của cha mẹ để HS từ khối lớp 7 đến 12 trở lại trường học trực tiếp từ tuần sau.

Đối với khối lớp 6, mầm non và tiểu học, ông Tân cho biết Sở GD&ĐT TP.HCM đang phối hợp với các cấp, ngành để tham mưu cho UBND TP.HCM về kế hoạch đi học trực tiếp cho các khối lớp này.

Liên quan đến việc tuần qua có cơ sở giáo dục yêu cầu test COVID-19 cho HS mới được tới trường, ông Tân khẳng định trong cuộc họp giao ban sáng 7-1, Sở GD&ĐT khẳng định không có quy định xét nghiệm HS trước khi vào trường. Việc làm nào chưa đúng quy định, sở sẽ yêu cầu nhắc nhở, chấn chỉnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm