Cần Thơ: Nghiệm thu sinh phẩm chẩn đoán SARS-CoV-2

Chiều 11-6, Sở KH&CN TP Cần Thơ phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM tổ chức họp đánh giá, nghiệm thu kết quả đề tài khoa học công nghệ cấp TP: “Chế tạo và thẩm định chứng dương nhân tạo và đoạn mồi chẩn đoán tác nhân gây viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona”.

Đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo tóm tắt về kết quả nghiên cứu chiều 11-6. Ảnh: NN

Chủ nhiệm đề tài là PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM và TS.BS Hoàng Quốc Cường – Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM. Đề tài được nghiên cứu trong ba tháng, từ tháng 3 đến tháng  6-2020.

Theo TS.BS Hoàng Quốc Cường, đề tài nhằm bốn mục tiêu: Nghiên cứu chứng dương chẩn đoán tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2); Thẩm định, đánh giá chứng dương nhân tạo trong nghiên cứu theo chuẩn quốc tế; Chế tạo đoạn mồi chẩn đoán tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona; Thẩm định đánh giá đoạn mồi chẩn đoán trong nghiên cứu theo chuẩn quốc tế.

Theo nhóm nghiên cứu, việc chẩn đoán xác định virus SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm Realtime RT-PCR là tiêu chuẩn vàng. Tuy nhiên, hiệu suất của xét nghiệm này lại phụ thuộc vào sinh phẩm chẩn đoán (mồi, đoạn dò và thuốc thử…).

Do đó, việc nghiên cứu chế tạo, sản xuất chứng dương, đoạn mồi và đoạn dò hỗ trợ cho việc sàng lọc, tầm soát dịch bệnh COVID-19 là công việc hết sức cần thiết…

Tính đến thời điểm hiện nay, đây là nghiên cứu đầu tiên về chế tạo mồi, đoạn dò cho xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu giới thiệu về quy trình xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 bằng sinh phẩm từ đề tài nghiên cứu. Ảnh: NN

TS.BS Hoàng Quốc Cường cho biết, kết quả nghiên cứu là quy trình sản xuất chứng dương nhân tạo đạt tiêu chuẩn về sự tương đồng tuyệt đối với trình tự gen E trên ngân hàng gen, không có phản ứng chéo.

Quy trình sản xuất đoạn mồi và đoạn dò có kết quả thẩm định tương đương về độ nhạy và đặc hiệu với sản phẩm khác trên thị trường.

Sản xuất 12.500 chứng dương tương đồng các tiêu chuẩn cơ sở về độ nhạy, độ đặc hiệu. Sản xuất 12.500 phản ứng dùng để chẩn đoán SARS-CoV-2 và công bố một bài báo quốc tế.

Nhóm tác giả nêu ra các đề xuất như sử dụng chứng dương trong việc chẩn đoán SARS-CoV-2 nhằm mục tiêu tăng độ chính xác cho các xét nghiệm, tránh bỏ sót các trường hợp dương tính thật và tránh sai sót đối với các trường hợp dương tính giả. Từ đó góp phần giảm thiểu được chi phí và gánh nặng ngân sách cho Chính phủ…

Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục nghiên cứu và chế tạo sinh phẩm chẩn đoán trên gen RdRp hỗ trợ cho việc chẩn đoán xác định SARS-CoV-2. Cạnh đó, tiến hành đánh giá hạn dùng của sinh phẩm chẩn đoán và tối ưu hóa điều kiện bảo quản.

Kit sinh phẩm chẩn đoán SARS-CoV-2 của nhóm nghiên cứu. Ảnh: NN

Các chuyên gia phản biện đánh giá cao tính hiệu quả của đề tài nghiên cứu này trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Đồng thời, đánh giá nhóm tác giả đã có nhiều cố gắng để sản phẩm hoàn thành trước hạn định. Cạnh đó, cũng có một số góp ý để hoàn chỉnh báo cáo về mặt khoa học…

Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Cao Hoàng Anh mong muốn sản phẩm có giá thành thấp và hạn sử dụng lâu dài để đảm bảo tính hiệu quả tối ưu của sản phẩm.

Ông Ngô Anh Tín – Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cho biết: "Giá thành sản phẩm thấp hơn hoặc chỉ bằng 2/3 nhập khẩu thôi. Thứ hai là sản phẩm có thời gian lưu hành tốt nhất hiện nay, không phải bảo quản lạnh, chỉ cần để trong hộp khô”. 

PGS Phan Trọng Lân cho biết: "Nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu thời hạn sử dụng của sinh phẩm nhưng từ lúc làm ra đến giờ là ba tháng thì sinh phẩm vẫn còn tốt. Còn về giá cả, chắc chắn giá sẽ cạnh tranh và đảm bảo về an ninh y tế”.

Sau khi họp, Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài nghiên cứu đạt kết quả xuất sắc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm