“Chị tên gì?”
“Nguyễn Thị Gái” (giọng ngọng nghịu không rõ chữ)
“Chị bao nhiêu tuổi?”
Chị ngập ngừng hồi lâu rồi rụt rè: “Không biết nhưng sinh năm 1966”.
1. Chị năm nay hơn 50 tuổi, quê huyện Ninh Hải, Ninh Thuận. Chị mồ côi cha mẹ, bao nhiêu năm nay đơn thân độc mã trong ngôi nhà tình thương 16 m2 giữa ruộng đồng cứ mưa là ngập nước.
Vóc người nhỏ thó lại thêm sứt môi gần như hết cả vành miệng khiến chị thêm dị dạng dị hình. Sức khỏe yếu và bệnh tật, chị Gái nào có biết mưu sinh cách chi ngoài nương tựa tình thương của bá tánh. Hằng tháng nhà thờ phát cho 10 kg gạo, còn thức ăn thì người hàng xóm tốt bụng dăm bữa chở chị đi xin ít cá đắp đổi qua ngày.
Câu chuyện về chị Gái chỉ được biết khi gần đây, ông Lê Nhiệm (một doanh nghiệp ở TP Phan Rang) đến tặng chị ít quà Tết. Nhìn tấm ảnh chị với hoàn cảnh quá đỗi ngậm ngùi, không ai tránh khỏi xót thương. Ông Lê Nhiệm nói năm ngoái có một đoàn từ thiện của bác sĩ nước ngoài mổ hàm ếch miễn phí cho những người tật nguyền nhưng chị Gái không đăng ký.
Hoàn cảnh nghèo khó, đơn chiếc và những tai ương bất hạnh từ thuở nhỏ khiến chị không còn hy vọng gì về một chút thay đổi cho cuộc đời mình tươi sáng hơn. Cũng phải! Dù ca mổ có miễn phí nhưng ai chăm sóc chị, ai đưa chị đi bệnh viện, chưa kể dù sao cũng sẽ phát sinh một vài chi phí ăn uống, đi lại… Những điều này có thể quá đơn giản và nhỏ nhoi với đa số người khác nhưng là một niềm tuyệt vọng với một người như chị Gái. Hơn nửa đời người, không biết đã có lần nào chị Gái thật sự mỉm cười.
BS Lâm Hoài Phương cho chị Nguyễn Thị Gái xem ảnh mình trước và sau ca mổ. Ảnh: C.TÚ
2. Cho đến mùng 7 Tết vừa qua, gia đình ông Lê Nhiệm quyết định đưa chị xuống Sài Gòn phẫu thuật hở hàm ếch. Anh Lê Vi, con trai ông, cho hay vị bác sĩ nổi tiếng trong ngành này là PGS-TS Lâm Hoài Phương sẽ trực tiếp mổ cho chị mà không cần thù lao. “Chúng tôi chưa kịp cám ơn thì BS Phương đã cám ơn ngược lại người đã mang bệnh nhân đến để bác sĩ có dịp được giúp đỡ” - anh Vi xúc động nói.
Việc chăm sóc chị Gái cũng có lối ra. Chị Nguyễn Thị Sô, người hàng xóm tốt bụng bao năm nay choàng gánh chị Gái, sẽ chăm chị những ngày ở bệnh viện dù gia cảnh chị Sô cũng nghèo rớt mồng tơi, chạy ăn từng bữa. Rồi rất nhiều mạnh thường quân “xúm” vào cùng hỗ trợ, người gửi tặng 20 triệu đồng để sửa lại căn nhà chị cho tươm tất hơn; một Việt kiều Mỹ gần nhà chị Gái ngày xưa nhờ gửi chị 100 USD cho chị làm lộ phí. Nhà xe cũng không lấy tiền cả hai chặng ra vào. Bao nhiêu lòng tốt cùng lan tỏa…
Mùng 7 Tết, hai người phụ nữ quê mùa khốn khó, trong sự ủng hộ giúp đỡ của những con người tử tế, đã làm một cuộc “cách mạng”, lần đầu tiên xuống Sài Gòn, đến BV ĐH Y Dược TP.HCM để phẫu thuật cho chị Gái.
Hôm ấy ở bệnh viện có một người thấp bé lúc nào cũng níu chặt tay người hàng xóm. Một lát sau quen tôi hơn, chị cũng níu chặt tay tôi. Chị sợ mình bị lạc mất giữa dòng người hay chị cần một chỗ dựa để trấn an sự sợ hãi của mình? Tôi cũng không biết nữa. Chỉ thấy khóe mắt mình cay cay…
Đội ngũ y, bác sĩ ở bệnh viện ai cũng thương hoàn cảnh của chị Gái. Mọi người kiên nhẫn động viên khi chị co rúm người sợ hãi trước dây nhợ, ống tim. Nắm tay chị Gái, BS Phương dỗ dành: “Mổ không đau đâu, rồi chị sẽ đẹp như mọi người”…
Hơn nửa đời người đầy khổ đau, đắng cay nhưng từ hôm nay chị đã có thể tự tin hơn khi cầm chiếc gương soi và nhìn mọi người.
Chị đã có thể mỉm cười Sáng mùng 8 Tết xong ca mổ. Chị Gái hồi phục sức khỏe nhanh đến mức ngạc nhiên. BS Phương nói sức sống trong con người nhỏ bé ấy thật lớn lao! Vậy nhưng BS Phương vẫn cứ lo lắng chuyện chăm sóc chị Gái khi xuất viện về quê nhà rồi gọi điện thoại trao đổi, dặn dò anh Lê Vi cố gắng tìm cách thu xếp. “Bao nhiêu khổ ải trên đời này dường như trút hết cho con người tội nghiệp này” - vị bác sĩ thốt lời trong xót xa. Vị bác sĩ phẫu thuật hỏi chị Gái có muốn nhìn ảnh mình không. Chị Gái khẽ gật đầu rồi nhìn ảnh mình rất chăm chú, những tấm ảnh trước và sau ca mổ. Một lát sau, nước mắt chị lăn dài trên má. |