Chuyên gia lý giải độ an toàn, tính cấp thiết việc tiêm vaccine cho trẻ em

Tính đến ngày 8-10, TP.HCM đã tiêm chủng vượt mốc 12 triệu liều vaccine. Đáng chú ý, đã có khoảng 70% dân số tiêm đủ hai mũi. Trong bối cảnh trẻ em dưới 18 tuổi phải học online và sắp tới đây, người dân kỳ vọng TP.HCM có thể mở cửa trường học trở lại khi TP đang bước vào giai đoạn bình thường mới, rất nhiều phụ huynh quan tâm đến vấn đề tiêm vaccine cho trẻ em.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS. Nguyễn Phương Thảo (ĐH Quốc tế TP.HCM), Phó Ban biên tập Chuyên trang COVID-19, ĐH Quốc gia TP.HCM, đã chỉ ra tầm quan trọng của vaccine đối với trẻ em, đồng thời có những khuyến cáo về chính sách vaccine với trẻ em trong thời gian tới.

Tác hại của SARS-CoV-2 với trẻ em

. Phóng viênThưa PGS-TS. Nguyễn Phương Thảo, hiện nay, nhiều người lo lắng và cho rằng trẻ em cũng cần được ưu tiên để tiêm vaccine. Xin bà cho biết virus SARS-CoV-2 có ảnh hưởng như thế nào đến trẻ em nếu chẳng may nhiễm bệnh?

+ PGS-TS. Nguyễn Phương Thảo: Tuy rằng triệu chứng khi lây nhiễm nhẹ hơn, nhưng trẻ em lại bị động hơn và khả năng tự bảo vệ thấp hơn so với người lớn, đặc biệt là nhóm trẻ có bệnh nền, hoặc béo phì.

Một báo cáo gần đây cho thấy, tác động của việc nhiễm COVID-19 ở trẻ em có thể nghiêm trọng hơn mọi người vẫn thường nghĩ. Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), bao gồm tình trạng viêm nhiều bộ phận trong cơ thể, được chẩn đoán là có liên quan tới COVID-19. Trẻ bị hội chứng viêm đa hệ thống, bị sốt, đau bụng có thể kèm phát ban hoặc viêm cơ tim hay một số triệu chứng khác như bất thường liên quan đến đường tiêu hóa, sốc và giảm lym phô bào…

Một nghiên cứu tại Anh vào tháng 5 vừa qua cho thấy các trẻ nhập viện với hội chứng viêm đa hệ thống hầu hết gặp vấn đề về tiêu hóa, tim, thận và hình thành cục máu đông. Tuy  sau 6 tháng xuất viện thì hầu hết triệu chứng này đã không đáng kể nhưng vẫn có khoảng 1/3 trẻ tiếp tục bị yếu cơ và khó khăn về sức khỏe tâm thần.

Ngoài ra, một số trẻ còn bị các triệu chứng nhiễm bệnh kéo dài và khó phục hồi do một số cơ quan tạo ra nhiều enzym chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2), vốn là thụ thể của virus SARS-Cov-2. Một nghiên cứu mới đây còn cảnh báo mối đe dọa từ biến chứng suy tim và đột quỵ tăng lần lượt là 5,8 và 14 lần nếu như bệnh nhân nhiễm COVID-19 và có triệu chứng cấp tính đến mức nhập viện. Ước tính từ 29% đến 68% trẻ em nhập viện có sẵn bệnh nền như suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh phổi mãn tính hoặc bệnh tim, bệnh tâm thần… Như vậy, có thể thấy khoảng một nửa số trẻ nhập viện là không có yếu tố nguy cơ rõ ràng.

Ở Mỹ, tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ em đang gia tăng lên 240%, với tỷ lệ 1 ca từ trẻ em trên tổng số 4 ca mắc mới. Với biến thể Delta, Mỹ đang ghi nhận số ca trẻ em nhập viện tăng kỷ lục, đặc biệt đã rất nhiều ca cần chăm sóc tích cực (ICU). Tình trạng tỷ lệ trẻ em mắc và nhập viện vì COVID-19 gia tăng nhanh chóng cũng có thể quan sát thấy ở nhiều nước khác khi đa phần người trưởng thành đã được tiêm chủng.

Theo con số thống kê mà tôi có được thì tại TP.HCM ngày 5/10/2021, có 2.249 trẻ em dưới 16 tuổi đã được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 và đang điều trị tại các bệnh viện trên tổng số 22.278 người đang điều trị, chiếm 10%, cao hơn so với giai đoạn đầu khi mới bùng dịch. Cùng với tỷ lệ tiêm chủng ở người trưởng thành tại thành phố đang tăng nhanh và việc mở cửa lại các hoạt động sản xuất và xã hội khác, chắc chắn tỷ lệ này cũng sẽ nhanh chóng tăng lên.

Có nên tiêm vaccine cho trẻ em?

. Trước tình hình khan vaccine hiện nay cũng như các hệ lụy của virus SARS-CoV-2 với trẻ em, bà có khuyến cáo như thế nào về việc tiêm vaccine cho trẻ em ở TP.HCM cũng như các tỉnh, thành khác?

+ Hiện nay các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, và các nước châu Âu đã chấp thuận cho phép trẻ em (từ 12 đến dưới 18 tuổi) tiêm chủng ngừa COVID-19.

Một số quốc gia khác cho phép trẻ em được tiêm vaccine bất hoạt từ Trung Quốc (Sinopharm và Sinovac), bao gồm Sri Lanka, Peru, Campuchia, Chi-lê, và tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Ở Thái Lan, công ty nhập khẩu vaccine Sinopharm hiện đang xin phép được giảm độ tuổi cho phép tiêm vaccine ở trẻ em xuống còn ít nhất 3 tuổi. Riêng Cuba sử dụng loại vaccine nội địa bào chế tên là Soberana-2 cho trẻ nhỏ từ 2 tuổi.

Thủ tướng Cambodia Hun Sen nhấn mạnh việc tiêm chủng sớm cho trẻ em là giúp bảo vệ cho bản thân chúng và cho cả giáo viên khi trường học mở cửa trở lại. Malaysia cũng là quốc gia châu Á vừa cho phép tiêm vaccine Pfizer ở trẻ em. Bộ Y Tế Malaysia cũng đưa ra kế hoạch tiêm chủng cho hơn 80% thanh thiếu niên trước thềm năm học 2022. Với tốc độ tiêm chủng hiện nay thì vào tháng 11-2021, nước này sẽ hoàn tất tiêm ít nhất một mũi cho khoảng 60% thanh thiếu niên ở độ tuổi 12-17.

Một cậu bé 13 tuổi ở New York (Mỹ) được tiêm vaccine Pfizer. Ảnh: REUTERS

Hiện nay, chính phủ Việt Nam cũng đã kí kết mua về hơn 20 triệu liều vaccine Pfizer và dự định tiêm trước cho thanh thiếu niên từ 12-18 tuổi. Ở các tỉnh, vùng còn chưa lây nhiễm nhiều, tất nhiên đối tượng cần ưu tiên vaccine là người cao tuổi, bệnh nền và các nhóm đối tượng khác theo quy định của Bộ Y Tế. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc ưu tiên phân phối vaccine cho trẻ em ở các vùng như TP.HCM, nơi vẫn còn mang nhiều mầm bệnh nhưng đang dần mở cửa và trở lại cuộc sống bình thường nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, là rất cấp thiết.

Tuy hệ miễn dịch bẩm sinh ở trẻ em có khả năng chống COVID-19 cao hơn người lớn, nhưng khi mắc COVID-19 thì trẻ nhỏ cũng có thể trở thành nguồn lây lan virus cho nhóm người có nguy cơ cao, nhất là với cách sống nhiều thế hệ cùng dưới một mái nhà của đa phần gia đình người Việt. Ngoài ra khi người lớn quay lại làm việc và trẻ em vẫn chưa được tiêm vaccine cũng đồng nghĩa với việc các em có khả năng bị lây nhiễm rất cao từ các thành viên khác trong gia đình.

Đặc biệt hơn, môi trường trong nhà là môi trường kín và khó tuân thủ quy tắc 5K và làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Vậy nên, tuy không phải trong nhóm đối tượng ưu tiên, nhưng ở trẻ em vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trở thành nhóm đối tượng bị đe dọa bởi tình hình đại dịch bùng phát, đặc biệt là với biến thể Delta siêu lây nhiễm như đã nói ở trên.

Bên cạnh đó, tiêm vaccine cũng giúp phụ huynh an tâm hơn khi đưa trẻ nhỏ quay lại trường học, vì dù sao việc học trực tuyến không phù hợp và có nguy cơ ảnh hưởng tâm lý và sự phát triển của trẻ, đặc biệt là các bé ở độ tuổi mầm non và tiểu học. Việc tiêm phòng đầy đủ cũng giúp trẻ nhỏ tránh khỏi sự gián đoạn trong học tập, và tránh trường hợp phải tự cách ly kéo dài nếu lỡ có bạn học cùng được xét nghiệm mắc COVID-19.

Có thể nói, việc tiêm vaccine là cần thiết đối với mọi nhóm đối tượng trong xã hội để phòng tránh những hệ quả nghiêm trọng trước mắt và trong lâu dài, kể cả nhóm đối tượng trẻ em.

Vaccine có an toàn cho trẻ em?

. Xin bà cho biết hiện trên thế giới các nước dùng vaccine nào cho trẻ em và mức độ an toàn của các loại vaccine đó được ghi nhận ra sao?

Nghiên cứu trên Sinopharm thực hiện tại Trung Quốc vừa được công bố vào tháng 9-2021 với hai giai đoạn, giai đoạn 1 bao gồm 288 trẻ và giai đoạn 2 bao gồm 720 trẻ cho thấy vaccine kích hoạt miễn dịch và không gây các phản ứng nghiêm trọng ở 3 nhóm đối tượng trẻ em từ 3-17 tuổi.

Các tiểu vương quốc Ả Rập vừa hoàn tất tuyển chọn 900 trẻ em ở độ tuổi 3-17 để đánh giá hiệu quả của vaccine Sinopharm. Bên cạnh đó, cuộc thử nghiệm của hai vaccine mRNA từ Pfizer và Moderna cũng được cho thấy hiệu quả hơn 90% và ít có triệu chứng gây hại ở đối tượng trẻ trên 12 tuổi. Pfizer cũng vừa hoàn tất cuộc thử nghiệm cho đối tượng 5-11 tuổi, sử dụng liều lượng vaccine chỉ bằng 1/3 so với liều lượng trên người trưởng thành và kết luận vaccine tạo phản ứng kháng thể trung hòa ở nhóm tuổi này tương đương với lượng tạo ra ở nhóm người trưởng thành.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều phụ huynh cảm thấy lo ngại là có nghiên cứu cho thấy vaccine sử dụng công nghệ mRNA có khả năng gây ra viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim ở thanh thiếu niên, đặc biệt là ở các bé trai. Triệu chứng này xuất hiện sau khi tiêm mũi thứ 2 và thường bao gồm tình trạng đau ngực, nhịp tim nhanh, hay hụt hơi. Các trường hợp hầu hết không có diễn biến xấu, tuy có một số ít phải nhập viện.

Tuy nhiên, Mỹ cũng đã cảnh báo về sự cố này và đang tích cực xem xét trước khi cấp phép khẩn cấp cho vaccine Pfizer được sử dụng ở trẻ em dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, các rủi ro khi tiêm vaccine được nhận định là thấp và không đáng ngại nếu so với lợi ích của tiêm đầy đủ vaccine để giữ an toàn cho trẻ em. Bên cạnh các nghiên cứu trên, Johnson & Johnson và Novavax cũng đang tiến hành thử nghiệm trên đối tượng 12-17 tuổi và sẽ sớm công bố kết quả.

Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại, các loại vaccine được cho phép sử dụng ở trẻ em trên nhiều quốc gia bao gồm vaccine của Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sinovac. Và CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ) vẫn khuyến nghị tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ cho trẻ em trên 12 tuổi. Thông qua các cuộc thử nghiệm, hiện vẫn chưa có thông tin nào đáng lo ngại về ảnh hưởng của các vaccine trên lên sức khỏe của trẻ em. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo cần chú ý theo dõi kỹ biểu hiện phản ứng của trẻ và tránh cho trẻ tham gia các hoạt động thể lực quá sức trong vòng một tuần sau khi tiêm.

. Xin cám ơn bà.

Quy trình phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em ở Mỹ

Theo đài CNN, bất kỳ thử nghiệm vaccine nào cũng phải qua ba giai đoạn. Tại Mỹ, giai đoạn 1 là để kiểm tra độ an toàn của vaccine, được thực hiện với 20-100 trẻ. 

Vì trong điều kiện cấp tốc nên giai đoạn 2 và 3 được kết hợp với nhau để có thể thực hiện song song nhiều bước và đẩy nhanh tiến trình hơn. Trong các giai đoạn này, các nhà khoa học theo dõi độ an toàn và kiểm tra để xem liệu hệ thống miễn dịch của trẻ em có đáp ứng với vaccine hay không. Ở bước này, các nhà khoa học tuyển hàng trăm, thậm chí hàng ngàn trẻ em tham gia. Chỉ sau khi các bước thử nghiệm hoàn tất, hãng mới có thể đề nghị Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) xem xét cấp phép.

Sau khi qua cửa FDA, ứng viên vaccine sẽ được Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh (CDC) xem xét và ra khuyến nghị chính thức về việc phân phối, bảo quản, thời gian, phân phối và sử dụng.

Trong thời gian FDA và CDC chưa duyệt, theo các chuyên gia, người lớn phải bảo vệ trẻ em trước COVID-19. Và điều tốt nhất người lớn có thể làm là tránh để người chưa tiêm chủng hay người không đeo khẩu trang tiếp cận gần trẻ em. Nhiều trẻ em bị lây nhiễm từ những người lớn trong nhà. ĐK

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm