Lý do nên tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi

Nhiều ý kiến phụ huynh đang băn khoăn nên hay không tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi. Theo Bộ Y tế và các chuyên gia ngành y tế, trẻ em cũng có thể diễn tiến nặng khi mắc COVID-19, có cả tình trạng hậu COVID-19 và những di chứng khác. Vì vậy, việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giúp giảm đi sự lây nhiễm trong cộng đồng.

Pháp Luật TP.HCMtrao đổi cùng BS CK2 Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó Trưởng khoa sức khỏe trẻ em, phòng khám chất lượng cao Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2, về vấn đề này. Đây cũng là một trong những BV tuyến đầu được giao nhiệm vụ triển khai tập huấn tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi.

 BS Nguyễn Thị Thanh Thùy

. Phóng viên: Thời gian gần đây, số trẻ em nhập viện do COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng và ở độ tuổi nào, thưa bác sĩ?

+ BS Nguyễn Thị Thanh Thùy: Thời gian qua, kể từ thời điểm trẻ 12-17 tuổi được tiêm chủng thì tỉ lệ mắc bệnh và nhập viện ở nhóm tuổi này đã giảm.

Hiện BV ghi nhận trẻ em ở độ tuổi 5-11 có tỉ lệ mắc và nhập viện cao hơn lứa tuổi trên. Nhìn chung, trẻ 5-11 tuổi cũng giống như trẻ lớn, khi mắc COVID-19 cũng có các triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi, đa phần không đến mức nhập viện. Tuy nhiên, trẻ bệnh có thể về lây cho cha mẹ, ông bà, anh chị em. Các phụ huynh khi ra ngoài xã hội áp dụng 5K rất tốt nhưng khi về gia đình, chăm sóc trẻ khó đảm bảo được 5K, khi trẻ mắc COVID-19 sẽ dễ dàng lây sang những thành viên khác trong gia đình, khiến cuộc sống gia đình nói riêng bị ảnh hưởng, dẫn đến ảnh hưởng chung toàn xã hội.

. Việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi cần có lưu ý gì?

+ Theo hướng dẫn của Bộ y tế, trẻ có phản ứng phản vệ với vaccine hoặc bất kỳ thành phần nào trong vaccine được chỉ định không tiêm vaccine, còn các trường hợp khác như trẻ có bệnh nền mạn tính, bẩm sinh sẽ được chuyển tiêm tại các BV đa khoa có chuyên khoa nhi hoặc ở các BV chuyên khoa nhi. Sau khi tiêm, trẻ cần được theo dõi tại điểm tiêm 30 phút, những trường hợp thận trọng bác sĩ có thể chỉ định cho theo dõi kéo dài hơn.

Bộ Y tế khuyến cáo trẻ phải được theo dõi suốt 30 ngày và theo dõi sát toàn trạng của trẻ ít nhất ba ngày đầu. Theo dõi biến chứng viêm cơ tim trong bảy ngày đầu, với các biểu hiện có thể gặp như khó thở, đau ngực. Các triệu chứng viêm cơ tim này thường thoáng qua và không để lại di chứng.

. Hiện không ít phụ huynh lo ngại tiêm vaccine COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe về sau cho trẻ, đặc biệt là tình trạng viêm cơ tim và chức năng sinh sản, bác sĩ nghĩ sao về vấn đề này?

+ Tôi cảm thấy rất thông cảm với lo âu chung của các phụ huynh. Tuy nhiên, những lo âu này trước đây cũng đã từng có với các loại vaccine khác, như vaccine ngừa bệnh sởi - quai bị - Rubella, vaccine ngừa ung thư cổ tử cung... Theo thời gian, các loại vaccine này đã chứng minh tính an toàn và hiệu quả bảo vệ rõ rệt, chẳng những cho bản thân người tiêm mà còn góp phần bảo vệ cộng đồng. Điều đó đã trở thành niềm tin, cổ vũ cho hàng triệu triệu phụ huynh tham gia tiêm ngừa phòng bệnh cho con mình.

Hiện số trẻ nhiễm COVID-19 có triệu chứng nhẹ và ít nhập viện hơn người lớn nhưng hội chứng viêm đa cơ quan (còn gọi là MIS-C: Tình trạng khi nhiều cơ quan trong cơ thể bị viêm gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc hệ tiêu hóa) có thể xảy ra vào tuần thứ hai đến tuần thứ sáu sau khi khỏi bệnh ở trẻ chưa chích ngừa và chưa ghi nhận ở trẻ đã chích ngừa. Đây là dấu hiệu cho thấy hiệu quả bảo vệ rõ rệt của vaccine. Về cái không có lợi như viêm cơ tim, các nghiên cứu cũng cho thấy số trẻ bị viêm cơ tim rất hiếm và thường nhẹ, thoáng qua, trẻ ở độ tuổi 5-11 có triệu chứng nhẹ hơn ở 12-17 tuổi.

Bệnh nhi mắc COVID-19 nặng điều trị tại BV Nhi đồng 2. Ảnh: HL

. Trẻ vừa mắc COVID-19 xong có nên Tiêm vaccine ngay?

+ Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người mắc COVID-19 sẽ được tiêm vaccine sau khi khỏi bệnh và hoàn thành thời gian cách ly. Hướng dẫn này cũng tương tự của Mỹ.

Thật ra, hiệu quả của liều vaccine hay hơn hẳn so với khi cơ thể bị nhiễm COVID-19 tự nhiên. Bởi vaccine khi vào cơ thể sẽ giúp hệ thống miễn dịch xây dựng lực lượng, tạo tuyến phòng thủ vững chắc một cách bài bản, đón đầu và xử lý hiệu quả khi bị virus SARS-COV-2 tấn công. Nhưng nếu cơ thể bị nhiễm bệnh tự nhiên, hệ thống miễn dịch có thể phản ứng một cách hoảng loạn, khiến cho việc bảo vệ cơ thể bị hạn chế, đồng thời khả năng ghi nhớ miễn dịch cũng mau phai khi không được xây dựng bài bản khiến cho hiệu quả bảo vệ về sau cao nhất là bằng và thường thấp hơn một mũi vaccine.

. Nhiều phụ huynh cho rằng khi nhiễm biến chủng Omicron, trẻ nếu có mắc bệnh cũng sẽ nhẹ hơn nên không cần tiêm vaccine nữa, ý kiến của BS về việc này?

+ Gần đây, theo diễn tiến dịch tễ, có vẻ biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế nên lượng bệnh tăng rất nhiều ở cả ba BV Nhi của TP. Dù giới khoa học nhận định Omicron gây bệnh nhẹ nhưng chúng ta chưa biết dịch bệnh sắp tới sẽ diễn tiến như thế nào và không biết bệnh có để lại di chứng gì không trong tương lai.

Tôi từng tiếp nhận các trẻ nhỏ trong đợt dịch mới này sốt đến 39 độ hoặc hơn, có co giật, phổi có tổn thương. Đối chiếu với trẻ lớn đã tiêm vaccine thì triệu chứng nhẹ hơn, không sốt quá cao, thường ba ngày sau trẻ đã khỏe lại. Việc tiêm ngừa cho trẻ luôn là cần thiết, giúp bảo vệ bản thân trẻ và gia đình.

Vaccine Pfizer thuộc loại vaccine bất hoạt có thể được tiêm cùng lúc và không có khoảng cách thời gian bắt buộc với các loại vaccine khác, các phụ huynh không cần lo lắng nếu vừa mới tiêm các vaccine khác. Nhìn lại thời gian qua, các loại vaccine từng triển khai như vaccine ngừa cúm, thủy đậu, lao, sởi... đã góp phần bảo vệ sức khỏe nhân loại, chưa thấy tác dụng phụ phổ biến nào nên tôi tự tin vaccine ngừa COVID-19 cũng tương tự.

. Xin cám ơn bà.

TP.HCM sẵn sàng tiêm ngay khi có vaccine

BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết thời gian qua, HCDC đã phối hợp với các đơn vị chủ động tập huấn từ rất sớm công tác khám sàng lọc, xử trí những biến cố bất lợi sau tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi và sẵn sàng tiêm ngay khi có vaccine.

Theo Sở Y tế TP.HCM, sau khi trẻ em trên địa bàn đi học lại, số ca mắc mới tăng cao, trong đó có 90% trẻ dưới 12 tuổi. Tiêm vaccine phòng COVID-19 trong thời điểm này là tạo hệ miễn dịch cộng đồng tốt nhất để bảo vệ trẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm