Chuyện ly kỳ ở Thảo Cầm Viên: Nỗi buồn của con vạc lẻ bầy
Thảo Cầm Viên thực sự là nơi “đất lành chim đậu” với sinh cảnh tốt và nguồn thức ăn dồi dào. Đảo chim nằm giữa hồ sen không chỉ có các loài chim được Thảo Cầm Viên mua về mà còn thu hút nhiều loài chim trong TP.
Rảo bước trong Thảo Cầm Viên, khách tham quan không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy nhiều chú già đẫy đang tự do đi lại, kiếm ăn. Nhiều loài chim khác cũng bay lượn ra ngoài Thảo Cầm Viên rồi trở về đảo chim để ngủ vào chiều tối.
Đảo chim giữa hồ sen Thảo Cầm Viên. Ảnh: KHÁNH CHI
Đảo chim không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn đô thị và cách xa với con người. Vì vậy, nhiều loài chim phát triển, sinh sản tốt ở đây. Trước đây, chim trích sống trong chuồng lưới. Đi lại nhiều trên nền xi măng khiến chân của chim trích bị thương. Sau khi được chuyển ra đảo chim, tất cả chim trích đã phục hồi hoàn toàn và sinh sản tốt.
Thức ăn dồi dào và môi trường sống an toàn khiến nhiều loài chim trong TP bay về đây cư ngụ. Có được điều này phải kể đến công lao của chú vạc “lẻ loi” và những chú già đẫy Java. Già đẫy sau khi ra đảo thường xuyên bay ra ngoài Thảo Cầm Viên để tìm thức ăn. Nhưng sau khi cảm thấy “không chỗ nào bằng ở nhà”, chúng ngoan ngoãn trở về đảo chim đúng giờ ăn và nghỉ ngơi vào buổi tối. Già đẫy đã thu hút nhiều loài chim khác trong tự nhiên. Những loài như vạc, cò bợ, cò ruồi… hiện đang sống trên đảo đều từ ngoài bay vào.
Anh Trực, Giám đốc Xí nghiệp động vật Thảo Cầm Viên, kể lại: Khi đảo chim mới hình thành, ngoài những loài già đẫy, trích, nhan sen…, trên đảo còn có một “cư dân lẻ loi” là vạc. Nó là con vạc duy nhất của Thảo Cầm Viên. Ngày nào nhân viên chăm sóc đảo cũng thấy nó đứng bên rìa đảo, lúc lại chuyền lên những cành cây cao dõi mắt ra xa, vẻ đăm chiêu lắm.
Một ngày nọ, nhân viên Thảo Cầm Viên báo tin chú vạc mất tích. Mọi người đổ xô tìm khắp các bụi cỏ, hang hốc trên đảo và các cây xung quanh hồ. Nhiều ngày trôi qua, họ bỗng thấy trên đảo có rất nhiều vạc, trống có, mái có.
“Chúng tíu tít trên các cành cây, không rõ chuyện gì nhưng có vẻ là vui lắm. Đâu đó trong số ấy chắc hẳn có chàng vạc của Thảo Cầm Viên - chủ nhân của hòn đảo giữa lòng TP. Hiện nay, khi có dịp ghé tham quan Thảo Cầm Viên vào bất cứ mùa nào, bạn cũng có thể thấy được hàng chục cái tổ chim vạc trên các cành cây ven đảo, dấu hiệu của vùng đất lành chim đậu” - anh Trực nói.
Khách sửng sốt tưởng chim bị sổng chuồng
Đảo chim có đường kính khoảng 15 m, là nơi cư ngụ của nhiều loại chim quý như già đẫy, nhan sen, cò quắm đầu đen, thiên nga đen, thiên nga trắng đầu đen...
Anh Trực kể lại: “Lúc mới đưa những con già đẫy Java ra sống ở đảo chim, nhân viên phải cắt một bên cánh của chúng để chúng không bay đi xa được. Vài tháng sau, cánh chim dài ra như bình thường thì chúng đã quen với việc được cho ăn tại đảo chim hằng ngày nên nó không bay đi đâu xa. Vì thế mà chúng tôi không sợ chim bay mất”.
Một số loài chim sống trên đảo. Ảnh: KHÁNH CHI
Nhân viên Thảo Cầm Viên cung cấp cá cho chim ăn hằng ngày. Mỗi sáng, nhân viên chèo xuồng chở cá đối vào đảo rồi rải cá gần mép nước để chim tự tìm. Mặc dù số lượng chim trên đảo khá nhiều nhưng rất ít khi xảy ra việc tranh giành thức ăn. “Sáng sớm, chim bắt đầu đi kiếm ăn. Nếu đến Thảo Cầm Viên vào đúng giờ đó sẽ thấy trên đảo ồn ào, vui tai lắm. Chim kêu rộn ràng cả hồ sen” - anh Trực nói.
Mặc dù sống trong Thảo Cầm Viên, quen với việc được cho ăn nhưng già đẫy và nhiều loài chim khác vẫn “lạ người”. Chúng không đứng gần người quá 4,5 m. Sáng sớm, nếu thấy bóng người chèo xuồng vào đảo, chúng sẽ bay lên đậu ở những ngọn cây cao quanh hồ.
Để đảm bảo sinh sản cho loài già đẫy, nhân viên Xí nghiệp động vật phải làm khung tổ bằng sắt cho chúng. Theo chia sẻ của anh Trực, đây là mẫu khung được Xí nghiệp động vật học hỏi từ vườn thú nước ngoài. Già đẫy không đẻ và ấp trứng ở những khung tổ khác. Sau khi có khung sắt, già đẫy sẽ tự lựa cành cây để làm tổ và đẻ trứng.
Tùy vào kích thước của mỗi loài chim, nhân viên Xí nghiệp động vật sẽ thiết kế khung tổ chim đa dạng kích thước. Họ cũng rải nhiều nguyên liệu làm tổ trên đảo để chim dễ dàng tìm kiếm. Số lượng chim trên đảo ngày càng nhiều, nhân viên lên khẩu phần ăn của từng loài phải đảm bảo tất cả chim ăn đủ.
Nhiều du khách thấy loài chim này đi lại tự do trong Thảo Cầm Viên đã tưởng chúng bị sổng chuồng và liên hệ với Thảo Cầm Viên. Anh Võ Văn Quang (quận Thủ Đức) là một trong số đó. Anh chia sẻ: “Lần đầu đến đây, tôi khá bất ngờ khi thấy có loài chim cao hơn nửa mét, mỏ dài và cứng đi lại trong khuôn viên. Tôi đã định báo với nhân viên để họ đưa nó trở lại chuồng chim. Nhưng sau khi biết nó được Thảo Cầm Viên thả tự do và khá “giữ kẽ” với con người thì tôi thấy việc đi lại của nó thú vị, cũng giúp Thảo Cầm Viên sinh động hơn”.
Chị Hoàng Thị Thủy Tiên (khách tham quan, Bình Dương) chia sẻ: “Nhìn từ xa tôi có thể thấy nhiều loài chim đang cùng sinh sống trên đảo giữa hồ sen. Đây là mô hình đảo rất tốt vì nó gần giống với tự nhiên, không có lưới chắn, không có nền xi măng như các chuồng khác. Có lẽ vì vậy mà nhiều loài chim đã sống yên bình và an toàn ở đây. Tôi hy vọng Thảo Cầm Viên sẽ mở rộng nhiều đảo như vậy để có không gian sống rộng hơn cho nhiều loài động vật khác”.•